Điểm báo 1/3: Cảnh giác khi mua hàng online

Thủ tục rườm rà, doanh nghiệp nặng gánh; Cảnh giác khi mua hàng online; Tuyển sinh đại học năm 2024: Không nên có nhiều kì thi riêng; Tăng giá trần vé máy bay từ 1/3: Người dân thêm “nặng” gánh;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 1/3.

THỦ TỤC RƯỜM RÀ, DOANH NGHIỆP NẶNG GÁNH (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Liên quan đến triển khai Nghị quyết số 02 của CP về cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển  doanh nghiệp. Sáng nay, báo kinh tế và đô thị có bài viết, nhiều doanh nghiệp đến nay còn gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc phát triển. 

Cụ thể theo bài viết, Một số lãnh đạo các cấp chưa quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách TTHC; có những quy định chưa phù hợp, theo kịp với xu thế phát triển. Bên cạnh đó, còn tình trạng chồng chéo giữa các quy định, giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau. Một số khó khăn, vướng mắc của  doanh nghiệp người dân chưa được kịp thời giải quyết dứt điểm. Nghị định 10/2020/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp vận tải hành khách hợp đồng phải cung cấp tối thiểu nội dung hợp đồng vận chuyển đến Sở GTVT bằng email trước mỗi chuyến đi, doanh nghiệp có hàng trăm chuyến đi mỗi ngày, việc yêu cầu cung cấp thông tin như trên tạo nên chi phí tuân thủ rất lớn. Hoặc Nghị định 09 yêu cầu tăng cường iốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm. Quy định này gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của  doanh nghiệp , thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc  tế. Đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi. 

CẢNH GIÁC KHI MUA HÀNG ONLINE (ĐẠI ĐOÀN KẾT)  

Người tiêu dùng tham gia vào hoạt động thương mại điện tử ngày càng tăng. Tuy nhiên, gần đây nhiều khách phản ánh, họ thường không nhận được đủ hoặc đúng mặt hàng đăng ký mua, thậm chí không ít trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái.

Năm 2023 lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 16% so với năm 2022). Tại một số sàn thương mại điện tử lớn, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi, tập trung vào nhóm sản phẩm như mỹ phẩm, gia dụng, đồ điện tử... Điều này gây tổn hại không nhỏ về mặt vật chất cũng như làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Việc khiếu nại tốn nhiều thời gian, trong khi giá trị món hàng không cao nên nhiều người chấp nhận không khiếu nại hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Do vậy, nếu mua hàng trên mạng, người tiêu dùng nên chọn những sàn giao dịch uy tín, được cấp phép hoạt động. Còn khi mua hàng trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh có địa chỉ rõ ràng là cách thức tốt nhất để không bị lừa.     

TUYỂN SINH ĐH NĂM 2024:  KHÔNG NÊN CÓ NHIỀU KÌ THI RIÊNG (TIỀN PHONG)

Ngoài xét học bạ, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đều có phương thức xét tuyển kết quả của một kì thi nào đó như thi đánh giá năng lực trong nước, quốc tế, hay thi đánh giá tư duy, thi đánh giá chuyên biệt để tuyển sinh. Thậm chí, năm nay, còn có thêm kì thi đánh giá năng lực đầu vào (V-SAT), nhưng thí sinh chưa rõ hình hài kì thi này thế nào.

Điều thí sinh băn khoăn là, trong số 6 cơ sở giáo dục ĐH năm nay tổ chức kì thi V-SAT để xét tuyển sinh ĐH, có 3 đơn vị lần đầu tổ chức là Học viện Ngân hàng, Trường ĐH Cần Thơ và ĐH Thái Nguyên (các cơ sở còn lại những năm trước đã tổ chức kì thi này). Nhưng đến nay, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào 3 đơn vị lần đầu tổ chức thi chưa biết đề thi minh họa do các cơ sở giáo dục ĐH này tổ chức thi V-SAT như thế nào, chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này ra sao. Ngoài kì thi V-SAT của 6 cơ sở giáo dục ĐH nêu trên, năm nay, thí sinh còn có nhiều kì thi khác như đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa, bài thi đánh giá của Bộ Công an, kì thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

TĂNG GIÁ TRẦN VÉ MÁY BAY TỪ 1/3:  NGƯỜI DÂN THÊM “NẶNG” GÁNH (NÔNG THÔN NGÀY NAY)  

Phân tích them thông tin mà chương trình đã nhắc đến ở phần đầu. Theo báo Nông thôn ngày nay, từ ngày hôm nay 1/3, giá vé máy bay phổ thông nội địa sẽ tăng trung bình từ 3,75 - 6,67%, có đường bay tăng lên 4 triệu đồng/vé 1 chiều. Nhiều người lo ngại sẽ không thể tiếp cận được vé máy bay giá rẻ.

Cụ thể, Giá trần vé máy bay sẽ được tính theo số km bay: Đường bay từ 500 km - dưới 850 km: 2,25 triệu đồng/vé/1 chiều; Đường bay từ 850 km- dưới 1.000 km: 2,89 triệu đồng/vé/1 chiều; Đường bay từ 1.000 km - dưới 1.280 km: 3,4triệu đồng/vé/ 1 chiều; Đường bay từ 1.280 km trở lên: 4 triệu đồng/vé/1 chiều. Phân tích về thị trường, trong giai đoạn thấp điểm, các hãng hàng không sẽ phải cân đối giá để cạnh tranh nên việc tăng giá trần vé máy bay không tác động nhiều. Tuy nhiên, vào cao điểm, nhu cầu đi lại tăng cao, bao gồm cả nhu cầu du lịch lẫn thăm thân, người mua vé máy bay những chặng dài sẽ tốn nhiều tiền hơn. Trong thời gian tới, giá vé máy bay “kịch khung” của các chặng “nóng” về du lịch có thể cao tới 8 - 10 triệu đồng khứ hồi. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, tăng giá trần sẽ giúp bổ sung chi phí cho các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách.       

Truyền hình Quốc hội Việt Nam