Điểm báo: Đơn hàng chưa phục hồi, nhà máy tiếp tục giảm công nhân

Chính sách đất đai phải phù hợp với tình hình mới; Chọn mặt gửi vàng' khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; Bộ xây dựng đề xuất cấp tín dụng cho các dự án bất động sản khả thi; Đơn hàng chưa phục hồi, nhà máy tiếp tục giảm công nhân;... Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 8/3.

CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI PHẢI PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Luật Đất đai sửa đổi đang tiếp tục được lấy ý kiến góp ý của Nhân dân, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023. Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm đó là vai trò của người dân trong việc tham gia, quyết định và quyền được giám sát về đất đai. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo bài viết, Sửa đổi Luật Đất đai lần này phải xác định “hoàn thiện chính sách đất đai phù hợp với ngữ cảnh mới”. Luật Đất đai 2013 có chủ trương chủ đạo về cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch, từ đó đưa đất ra đấu giá để có thể thu tiền sử dụng và tiền thuê đất nhiều hơn cho Nhà nước. Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch để đưa đất ra đấu giá còn khó khăn; quỹ phát triển đất không đủ để giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Mặt khác, cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn để thực hiện. Từ đó dẫn tới việc đất đai rơi vào tình trạng lãng phí do thu hồi nhưng không thể đưa vào sử dụng.

'CHỌN MẶT GỬI VÀNG' KHI ĐẦU TƯ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP (THANH NIÊN)

'Chọn mặt gửi vàng' khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là bài viết đáng chú ý được đăng tải trên báo Thanh niên.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 700.000 - 1 triệu tỉ đồng vốn trung dài hạn. Nguồn vốn này không bao gồm phần vốn tín dụng từ ngân hàng. "Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường như thế nào để phát triển lành mạnh hơn. Cũng theo bài viết, Trong bối cảnh một số vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu thời gian qua, các chuyên gia tài chính đều cho rằng, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu, có lịch sử phát triển trong nhiều năm, năng lực tài chính vững chắc được chứng minh qua uy tín hồ sơ tín dụng, khả năng tạo ra dòng tiền bền vững.

BỘ XÂY DỰNG ĐỀ XUẤT CẤP TÍN DỤNG CHO CÁC DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN KHẢ THI (TIỀN PHONG)

Bộ Xây dựng đề xuất cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi; khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Thông tin mới đây được đăng tải trên báo Tiền phong.

Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này dành cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Ngoài ra, đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (doanh nghiệp, dự án bất động sản phục vụ tiêu dùng, sản xuất, công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng,...); đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

ĐƠN HÀNG CHƯA PHỤC HỒI, NHÀ MÁY TIẾP TỤC GIẢM CÔNG NHÂN (VNXPRESS)

Nhiều nhà máy phải giảm quy mô lao động, cho công nhân nghỉ luân phiên vì đơn hàng chưa có dấu hiệu phục hồi. Bài viết trên báo điện tử Vnxpress.

Theo Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cho hay, toàn ngành có hơn 2.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động. Hiện, đơn hàng của toàn ngành vẫn giảm đến 30%. Do đó, để tiết giảm chi phí và phù hợp nhu cầu sản xuất, các nhà máy chắc chắn phải giảm lao động. Cũng theo bài viết, Từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 1 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc. Lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam.