Điểm báo: Dịch chuyển năng lượng nhờ "Cú huých" nhận thức

Dịch chuyển năng lượng nhờ "Cú huých" nhận thức; nắng nóng, Nhiễm mặn, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây gặp khó khăn; Đặt tên làng, xã khi sáp nhập: Gìn giữ và tạo nên những “thương hiệu” mới; Rà soát việc giá vé máy bay tăng cao… Là những tin có trong điểm báo sáng nay 4/5.

DỊCH CHUYỂN NĂNG LƯỢNG NHỜ "CÚ HUÝCH" NHẬN THỨC

Sự chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo và sạch là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế xanh, bền vững trong tương lai. Trên báo Kinh tế và đô thị có bài viết về nội dung này.

Sự chuyển dịch về năng lượng sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới về việc làm, phát triển công nghệ tiên tiến, tăng trưởng kinh tế - xã hội theo hướng xanh, nhưng cũng đặt ra nhiều bài toàn khó cho các nền kinh tế. Bao gồm, làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương. Cũng theo bài viết, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện. Điều này có thể bao gồm việc thiết lập các quy chuẩn về môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng điện phù hợp, khuyến khích đầu tư từ cả trong và ngoài nước.

NẮNG NÓNG, NHIỄM MẶN, DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU TRÁI CÂY GẶP KHÓ KHĂN

4 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đang gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng, vùng canh tác bị nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn cung.

Theo bài viết trên báo điện tử VOV, đại diện doanh nghiệp cho biết, Do nắng nóng kéo dài, nhiều nơi ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Cũng chính vì vậy mà giá nhiều loại trái cây xuất khẩu tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp PTNT cần giải quyết được tình trạng ngập mặn. Với xu hướng thời tiết này, dự báo thời gian tới tình hình mặn xâm nhập ngày càng nặng hơn. Ngoài ra cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, hoặc có hệ thống lọc nước giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất mới hiệu quả.

ĐẶT TÊN LÀNG, XÃ KHI SÁP NHẬP: GÌN GIỮ VÀ TẠO NÊN NHỮNG “THƯƠNG HIỆU” MỚI

Câu chuyện đặt tên mới hay giữ tên cũ được dư luận hết sức quan tâm khi trên cả nước đang thực hiện việc sáp nhập huyện, xã. Làm sao để giữ được những tên cũ, tên cổ, gắn bó với cư dân vùng đất và thậm chí đã góp phần định danh một vùng văn hóa? Làm cách nào để những tên mới không chỉ là sự lắp ghép vô hồn?...

Theo bài viết trên báo Đại đoàn kết, TS Trần Hữu Sơn - Chuyên gia Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, cho rằng Việc đặt tên làng, tên xã rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, vì tên làng là danh xưng, cũng giống như là thương hiệu. Cũng theo chuyên gia, có các tiêu chí khi đặt tên cho làng, xã như tên phải nêu được đặc trưng, xuất phát từ lịch sử hay đặc thù nghề nghiệp. Mặc dù nghề của làng đó có thể biến mất hoặc vẫn còn lại chút ít, nhưng nếu nó đã từng “vang bóng một thời” thì nên đặt theo tên nghề. Ngoài ra, có thể lấy di tích văn hóa, địa danh nổi bật của làng, xã, dựa vào những đặc điểm xã hội, con người đặc trưng, vị trí địa lý...

RÀ SOÁT VIỆC GIÁ VÉ MÁY BAY TĂNG CAO

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra công tác bán vé do giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch của người dân.Thông tin trên báo điện tử Vnxpress.

Theo khảo sát, giá vé nhiều chặng bay nội địa trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cao gấp 1,5 lần ngày thường. Đơn cử, chặng Hà Nội - Quy Nhơn, giá vé máy bay khứ hồi đi các ngày 27/4-30/4 là 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm. Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, bình ổn giá vé, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam