Điểm báo: Đầu tư vào kênh nào khi thị trường nhiều biến động?

Đầu tư vào kênh nào khi thị trường nhiều biến động?; Nhiều tổng kho ngoại quan nằm sát biên giới nước ta: Doanh nghiệp trong nước cần ứng phó hiệu quả; Điều hành giá phải đi trước một bước; Thiếu hụt nước sinh hoạt mùa hạn mặn: Đã đến lúc người dân cần chủ động ứng phó… là những tin có trong điểm báo sáng 30/4.

ĐẦU TƯ VÀO KÊNH NÀO KHI THỊ TRƯỜNG NHIỀU BIẾN ĐỘNG?

Nhiều nhà đầu tư loay hoay chưa biết chọn kênh nào khi lãi suất tiết kiệm thấp, giá vàng biến động và cao kỷ lục, chứng khoán sụt giảm, giá chung cư cao chót vót. Thông tin trên báo VOV.

Giá vàng liên tục tăng từ đầu năm đến nay cho thấy nhu cầu mua vào gia tăng cả trên thế giới và Việt Nam. Chuyên gia nhận định tâm lý của người Việt, vàng không phải là kênh đầu tư mà thường được chọn là kênh tích lũy tài sản, trú ẩn. Thường lượng tiền cũng phân bổ vào vàng không lớn và cũng không nên lựa chọn đó là kênh đầu tư. Đối với thị trường trái phiếu, thời gian qua, kênh đầu tư này gần như “đóng băng”, các nhà đầu tư chưa quay lại thị trường và có thể sẽ không quay lại trong năm nay. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy trong ngắn hạn, trái phiếu là kênh đầu tư chưa có “cửa sáng”. Đối với bất động sản, chuyên gia nhận định hiện lãi suất giảm sâu, giá vàng cao, thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục nên hiện đây là thời điểm tốt để nhà đầu tư nghiên cứu mua bất động sản.

NHIỀU TỔNG KHO NGOẠI QUAN NẰM SÁT BIÊN GIỚI NƯỚC TA: DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC CẦN ỨNG PHÓ HIỆU QUẢ

Báo Hà Nội mới có bài viết, thông qua hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới phía Bắc và sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng Việt. Điều này đang gây sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt.

Hiện Việt Nam có 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất thì có 4 sàn do Trung Quốc quản lý trực tiếp hoặc có ảnh hưởng chi phối, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop. Sendo - sàn thương mại điện tử duy nhất còn thuộc sở hữu và quản lý của người Việt thì chiếm doanh số rất nhỏ (3,8% thị phần). Hàng Trung Quốc giá rẻ đang tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang trong giai đoạn khó khăn về năng lực sản xuất, kho vận. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt đó, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh cải tiến năng suất, chất lượng, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. Đồng thời, Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử. 

ĐIỀU HÀNH GIÁ PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, đặc biệt là việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7. Do đó, cần có kịch bản điều hành phù hợp, nhịp nhàng, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và chính sách cải cách tiền lương đạt được hiệu quả thiết thực. Báo Kinh tế và Đô thị đưa tin.

Bộ Tài chính vừa đưa ra 3 kịch bản điều hành giá cho những tháng còn lại của năm 2024. Cụ thể, ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Trên thực tế áp lực lạm phát còn cao hơn so với dự báo, bởi cải cách tiền lương từ 1/7 tương đối mạnh, học phí tăng cao và một loạt chi phí gia tăng khác. Khả năng phục hồi kinh tế trong năm 2024 đi kèm với rủi ro lạm phát, do sự cộng hưởng của cả yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo cho thấy việc đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 là khá thách thức.

THIẾU HỤT NƯỚC SINH HOẠT MÙA HẠN MẶN: ĐÃ ĐẾN LÚC NGƯỜI DÂN CẦN CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Thiếu hụt nước sinh hoạt là một trong những hệ lụy của hạn hán, xâm nhập mặn mà người dân khu vực ven biển miền Tây Nam Bộ đã, đang và phải tiếp tục đối mặt. Thông tin trên báo Công Thương.

Hạn mặn vốn có lịch sử lâu đời chứ không phải vấn đề gì mới mẻ. Năm nào cũng vậy, ít hoặc nhiều, nhẹ nhàng hay gay gắt, cứ đến kỳ là hạn mặn lại xuất hiện. Vì xem hạn mặn là chuyện bình thường nên không ít người còn có tâm lý chủ quan, ỷ lại. Phần lớn những người bị thiếu hụt nước sinh hoạt đều có nhà ở phân tán, xa các khu dân cư và ít quan tâm tích trữ nước mưa. Trong khi đó giếng khoan tại nhà không sử dụng được nữa vì bị nhiễm mặn. Hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ được dự báo sẽ còn gay gắt, khó lường trong những năm tiếp theo, nguyên nhân trong đó có phần do tác động của các công trình thủy điện, hồ chứa nước và các công trình liên quan đến nguồn nước sông Mê Kông trên phía thượng nguồn. Trong khi chờ những giải pháp chiến lược được triển khai, đã đến lúc người dân khu vực ven biển miền Tây Nam Bộ cần chủ động ứng phó với tình trạng thiếu hụt cục bộ nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Về cách làm, đơn giản và dễ thực hiện nhất là hãy quan tâm tích trữ nước mưa như tập quán trước đây.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam