Điểm báo: Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục xấu, ô nhiễm thứ 3 thế giới

Đề xuất tăng lợi nhuận đầu tư nhà ở xã hội: Nhiều tranh luận trái chiều; Chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục xấu, ô nhiễm thứ 3 thế giới; Kinh tế xanh - cơ hội thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nhiều lĩnh vực; Dòng tiền chưa thực sự trở lại bất động sản;...Là những tin tức có trong điểm báo ngày 4/12.

ĐỀ XUẤT TĂNG LỢI NHUẬN ĐẦU TƯ NHÀ Ở XÃ HỘI: NHIỀU TRANH LUẬN TRÁI CHIỀU (KINH TẾ VÀ ĐÔ THỊ)

Đăng tải sáng nay trên báo Kinh tế và đô thị, Việc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) từ 10% lên 15 – 20%, đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn.

Theo lý giải 1 dự án NƠXH bình quân phải mất từ 3 – 5 năm để hoàn tất các thủ tục hành chính, trước khi bắt tay vào triển khai xây dựng vì số lượng giấy tờ gấp đôi so với dự án nhà ở thương mại, phát sinh thêm nhiều chi phí cho DN. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng việc tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư các dự án NƠXH là cần thiết để khuyến khích DN tham gia, nhưng cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương. Trong trường hợp chủ đầu tư phải vay vốn áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường thì có thể cân đối để tăng lợi nhuận; còn trường hợp chủ đầu tư được vay với lãi suất theo quy định về chính sách NƠXH thì cần phải cân nhắc bởi nó sẽ trực tiếp tác động đến giá nhà ở. Nếu tăng lợi nhuận đồng loạt cho các chủ đầu tư kéo theo giá thành sản phẩm sẽ tăng theo, lúc đó giá NƠXH sẽ tương đương với nhà ở thương mại, như vậy chính sách ưu đãi về NƠXH cho người thu nhập thấp của Đảng, Chính phủ sẽ không phát huy hết được ý nghĩa nhân văn vốn có của nó.

CHẤT LƯỢNG KHÔNG KHÍ HÀ NỘI TIẾP TỤC XẤU, Ô NHIỄM THỨ 3 THẾ GIỚI (BÁO TUỔI TRẺ) 

Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Thông tin báo Tuổi trẻ cho biết.

Cụ thể không khí tại một số khu vực, chỉ số ô nhiễm tăng theo từng giờ, đặc biệt là Hà Nội đang có diễn biến xấu, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, Do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Bác sĩ khuyến cáo những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bị hen phế quản hoặc nhiễm trùng đường hô hấp không nên đi ra đường.

KINH TẾ XANH - CƠ HỘI THU HÚT MẠNH MẼ CÁC NHÀ ĐẦU TƯ NHIỀU LĨNH VỰC (VOV)  

Theo báo VOV, Trước những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng được những thời cơ mới hướng tới mô hình phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng xanh đang được các quốc gia lựa chọn là một mô hình ưu tiên.

Theo một số doanh nghiệp, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang ngày càng nhiều quốc gia đưa ra tiêu chuẩn trong sản xuất xanh. Cùng với đó người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều việc bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Theo đánh giá gần đây Ủy ban châu Âu, quy mô thị trường toàn cầu hiện nay các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030 nền kinh tế xanh thì sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh mà còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.

DÒNG TIỀN CHƯA THỰC SỰ TRỞ LẠI BẤT ĐỘNG SẢN (BÁO ĐẦU TƯ)

Dù lãi suất huy động liên tục giảm nhưng nhiều người vẫn có tâm lý trữ tiền trong ngân hàng để quan sát thêm thay vì chọn mua bất động sản như trước đây.

Nhiều ngân hàng tư nhân đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, dao động quanh mức 5%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây là con số còn thấp hơn mức lãi suất trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo Hội môi giới BĐS VN, Hiện các giao dịch chủ yếu khởi sinh từ các sản phẩm có giá dưới 3 tỷ đồng của những khách hàng có sẵn tiền mặt. Trong khi đó, phân khúc đang tồn kho trên thị trường lại là các sản phẩm đầu tư giá trị cao. Điều đáng nói là cơ chế, điều kiện, hồ sơ cho vay với các mặt hàng như trên lại phức tạp và chặt chẽ hơn. Các rào cản này khiến nhiều người không còn hào hứng xuống tiền cho những bất động sản có giá trị lớn. Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn còn rất cao, nhiều người dân thậm chí không dám vay do lo ngại lãi suất tăng trở lại sau thời gian ưu đãi.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam