Điểm báo 2/12: Vàng “dậy sóng”

Vàng “dậy sóng”; Giải pháp nào ứng phó với ô nhiễm không khí ở Hà Nội; Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Giảm áp lực cho học sinh; Tháo gỡ vướng mắc, đẩy vốn ra nền kinh tế;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 2/12.

VÀNG “DẬY SÓNG”

Giá vàng trong nước đã vượt đỉnh lịch sử, đạt 74,5 triệu đồng/lượng. Những ngày này, thị trường vàng hết sức sôi động. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Giá vàng hôm nay là bao nhiêu? Nhiều người dân lâu nay khá thờ ơ với vàng, nay cũng lập tức chuyển sang quan tâm đến kim loại quý. Theo Đại đoàn kết, theo quy luật thị trường, không mặt hàng nào có thể tăng mãi bởi đà tăng sẽ bị hạn chế do áp lực chốt lời. Vàng cũng vậy, đà tăng giá của kim loại quý bị hạn chế bởi động thái chốt lời của giới đầu tư. Theo chuyên gia, người dân chỉ nên mua vàng theo khả năng tài chính của mình. Bởi giá vàng trong nước “ăn theo” thị trường thế giới nhưng chứ thực tế tình hình không có gì biến động quá nhiều.

GIẢI PHÁP NÀO ỨNG PHÓ VỚI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ Ở HÀ NỘI

Những ngày qua, Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua một đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe. Báo điện tử VOV có bài viết đề cập đến giải pháp ứng phó.

Đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội bắt đầu 22/11 kéo dài đến hôm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo VOV, để ứng phó với ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cần tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải, đặc biệt là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp... Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 - loại bụi được coi là "tử thần" trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.  

THI TỐT NGHIỆP THPT TỪ NĂM 2025: GIẢM ÁP LỰC CHO HỌC SINH

Trong khi đa số ý kiến ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thì vẫn còn những ý kiến không đồng tình về việc môn Ngoại ngữ trở thành môn lựa chọn. Bài viết trên báo Tiền phong. 

Bộ GD&ĐT lý giải việc chọn phương án 4 môn thi nhằm đảm bảo yếu tố gọn nhẹ, giảm áp lực học tập cho thí sinh, giảm tốn kém cho phụ huynh, xã hội. Báo Tiền phong trích dẫn ý kiến của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi là đổi mới phương thức thi theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho phụ huynh, xã hội. Đồng thời, quá trình xây dựng phương án Bộ cũng bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; đảm bảo học sinh được lựa chọn nghề nghiệp phù hợp năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.    

THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, ĐẨY VỐN RA NỀN KINH TẾ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. “Tháo gỡ vướng mắc, đẩy vốn ra nền kinh tế” là bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị. 

Theo báo Kinh tế và Đô thị, các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cũng có ý kiến đề xuất ngân hàng linh động hơn trong điều kiện cho vay tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết, không thể hạ chuẩn điều kiện cho vay. Nếu không lại đẩy rủi ro về tương lai, gánh nặng nợ xấu phát sinh lên vai ngân hàng rất lớn.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam