Điểm báo 8/1: Cảnh giác với “ma trận” việc nhẹ, lương cao

Cảnh giác với “ma trận” việc nhẹ, lương cao; Vừa mừng vừa lo trước động thái tín dụng "bùng nổ"; Phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi: Cần sớm tháo gỡ khó khăn; Doanh nghiệp khóc ròng vì quy định phải có đất ở trong Luật Đất đai... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 8/1.

CẢNH GIÁC VỚI “MA TRẬN” VIỆC NHẸ, LƯƠNG CAO

Lợi dụng tình hình nhiều người lao động muốn tìm kiếm việc làm, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu trò tinh vi để “bẫy” những người nhẹ dạ cả tin nhằm trục lợi. Thông tin trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay. 

Những công việc “việc nhẹ, lương cao”, thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng như chỉ phải gõ văn bản, đánh giá sản phẩm, tư vấn khách hàng, bán vé máy bay chiết khấu cao, cắt mác quần áo, dán lì xì, cộng tác viên vận đơn được tuyển dụng rầm rộ. Đối tượng được hướng đến các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thêm. Sinh viên, người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, cần đề cao cảnh giác, tìm hiểu lịch sử, hoạt động, thông tin pháp lý của các công ty trước khi ứng tuyển và phỏng vấn. Đối với người dân, sử dụng mạng xã hội cần tỉnh táo, cẩn trọng trong giao dịch việc làm, thông tin trên mạng xã hội. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn là “vaccine” phòng ngừa của mọi người trước chiêu lừa đảo này. 

VỪA MỪNG VỪA LO TRƯỚC ĐỘNG THÁI TÍN DỤNG "BÙNG NỔ"

Sáng nay, Thời báo Tài chính Việt Nam có bài viết "Tăng trưởng tín dụng "bùng nổ" chỉ trong khoảng 10 ngày cuối năm". Tín hiệu này tạo tâm lý lạc quan, cũng là lý do khiến thị trường chứng khoán khởi sắc với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, đằng sau không khí lạc quan này cũng có thể có những yếu tố rủi ro tiềm ẩn, đòi hỏi yêu cầu về sự kiểm soát chặt chẽ dòng tiền.

Sau khi NHNN công bố tốc độ tăng trưởng tín dụng 13,5%, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng khá tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng quá nhanh của dòng tiền chỉ trong một số ngày cuối năm cũng đặt ra một số yếu tố lo ngại về cân đối tiền và hàng hóa trên thị trường. Cụ thể, so sánh tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng GDP, tín dụng trong cả năm 2023 đã tăng 13,5% trong khi tăng trưởng GDP cả năm ước tính tăng 5,05%, theo đó tín dụng tăng nhanh gấp 2,67 lần so với tốc tăng GDP. Trước tín dụng tăng bùng nổ trong một số ngày cuối năm, một số chuyên gia cũng đánh giá rằng, mối quan tâm khác cũng cần chú ý là chất lượng tín dụng.

PHÁT TRIỂN ĐIỆN KHÍ, ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI: CẦN SỚM THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, điện khí và điện gió ngoài khơi chiếm khoảng 50% tổng công suất nguồn điện cần bổ sung.

Tổng công suất nguồn điện phát triển đến năm 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Tổng công suất các nguồn điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW và có thể tăng lên trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Đây là áp lực lớn khi thực tế triển khai dự án điện khí cần khoảng 7 - 8 năm, dự án điện gió ngoài khơi cần khoảng 6 - 8 năm.

Do đó, việc đưa các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi vào vận hành đúng tiến độ cần sự quan tâm của các cấp, ngành, cùng những cơ chế, chính sách phù hợp. Đồng thời nếu tiếp tục để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế. Cần sửa Luật Điện lực để bảo đảm giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió.

DOANH NGHIỆP KHÓC RÒNG VÌ QUY ĐỊNH PHẢI CÓ ĐẤT Ở TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI  

Quy định phải có đất ở mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đang làm khó doanh nghiệp và khiến thị trường tắc nghẽn. Theo thống kê, hiện tại, cả nước có khoảng 400 dự án đang rơi vào tình trạng ách tắc chỉ vì thiếu… 1m2 đất ở.

Theo bài viết trên báo VOV, từ khi Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định việc phải có “đất ở hoặc đất ở và đất khác” mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, điều này đồng nghĩa dự án muốn được triển khai phải có 100% đất ở hoặc “dính” đất ở. Đây chính là lý do mấy trăm dự án tồn đọng, không chuyển đổi được. Có trường hợp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng các loại đất không phải là đất ở nhưng đã được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể thực hiện dự án vì yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất là phải có đất ở. Các chuyên gia bày tỏ lo lắng nếu quy định phải có đất ở mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại được thông qua, các dự án sẽ rơi vào tình trạng không thể triển khai. Thị trường BĐS có thể tê liệt vì không có nguồn cung mới, giá BĐS tăng cao và người dân phải lãnh hậu quả. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam