Điểm báo 4/11: Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phương pháp thặng dư khi định giá đất

Đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ phương pháp thặng dư khi định giá đất; Vướng mắc trong việc cấp sổ hồng cho officetel, condotel; Nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán; Tăng học phí có phải màng lọc... là những tin có trong điểm báo sáng nay 4/11.

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ BỎ PHƯƠNG PHÁP THẶNG DƯ KHI ĐỊNH GIÁ ĐẤT

 Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam đưa ra quan điểm của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề định giá đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không xác định phương pháp thặng dư. Bởi vì, trên thực tế áp dụng ước tính doanh thu chi phí việc tính toán các yếu tố giả định rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn, cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định sẽ thay đổi kết quả định giá. Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc làm rõ khi tham gia làm thành viên Hội đồng thẩm định giá đất. Thực tiễn thực hiện phương pháp xác định giá đất đã xảy ra tình trạng cùng một khu đất, mỗi phương pháp xác định giá đất và mỗi đơn vị tư vấn khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.    

VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC CẤP SỔ HỒNG CHO OFFICETEL, CONDOTEL

TP. Hồ Chí Minh vẫn có khoảng gần 10.000 căn nhà chưa cấp sổ hồng do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới. Theo bài viết trên báo Lao Động.

Theo danh sách công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 29 dự án với 10.019 căn chưa cấp giấy chứng nhận do vướng mắc về loại hình bất động sản mới (condotel, officetel) chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho triển khai các nội dung mới được quy định tại Nghị định 10 như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn đang có một vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính.    

 NỖ LỰC NÂNG HẠNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ mang lại vị thế mới cho thị trường Việt Nam. Quá trình này đòi hỏi nhiều nỗ lực tổng thể của toàn bộ các thành viên tham gia thị trường, trong đó có các cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, ngân hàng lưu ký và cả các ngân hàng thương mại tham gia.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển  thị trường chứng khoán đến năm 2030”. Theo đánh giá chung, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ. Đó là yêu cầu ký quỹ - có tiền trước khi giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hũu nước ngoài.    

TĂNG HỌC PHÍ CÓ PHẢI MÀNG LỌC

Trong bối cảnh học phí chiếm trên 70% nguồn thu, nhiều trường đại học vẫn giữ ổn định quy mô tuyển sinh nhưng chuyển đổi mô hình đào tạo. Giải pháp này vừa giải bài toán kinh tế, vừa nâng cao chất lượng đào tạo. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Với chủ trương đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các trường đại học, thời gian qua nhiều trường đã công khai mức thu học phí cao hơn ở các chương trình tiêu chuẩn. Học phí đại học cao là nỗi lo của nhiều gia đình, học sinh khi chọn ngành, chọn trường. Theo Đại đoàn kết, nguồn ngân sách ít, nhiều trường phải lấy học phí hệ đào tạo chất lượng cao “bù” cho hệ đại trà cũng không hợp lý. Khi các trường đẩy mạnh tự chủ đại học, bài toán học phí rõ ràng sẽ dần theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo nhằm đưa việc đào tạo và học đại học trở về thực chất.    

Thùy Trang