Điểm báo 31/3: Nguy cơ tăng giá điện bình quân sớm

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng; Kiểm soát thịt và phụ phẩm, hàng Việt bị siết chặt - hàng ngoại bỏ ngỏ; Kiểm soát lạm phát năm 2024: Cần theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu; Nguy cơ tăng giá điện bình quân sớm;... là những tin có trong điểm báo sáng 31/3.

TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP CÓ XU HƯỚNG GIA TĂNG

Công tác an toàn, vệ sinh lao động trên cả nước hiện còn nhiều bất cập. Dự báo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động có xu hướng gia tăng.

Thông tin từ Bộ LĐ - TB&XH, năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn. Về bệnh nghề nghiệp, năm 2023 đã khám, phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2023 là 600 người. Những con số đáng báo động cho thấy thực trạng số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Nguyên nhân là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Nhiều người lao động chưa được huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Dự báo với bối cảnh những khó khăn, những thách thức, Bộ LĐ-TB&XH nhận định, nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu.

KIỂM SOÁT THỊT VÀ PHỤ PHẨM, HÀNG VIỆT BỊ SIẾT CHẶT - HÀNG NGOẠI BỎ NGỎ

Báo VOV có bài viết, thực tế các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt, trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Hiện nay, giá gà, vịt và heo đều rất thấp. Người chăn nuôi gà và heo đang gánh lỗ khoảng 10.000 đồng/kg khi xuất chuồng. Nhiều doanh nghiệp, trang trại lớn phải giảm đàn, chăn nuôi cầm chừng, kéo theo cả hệ sinh thái cung ứng, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Xu hướng doanh nghiệp đang gia tăng thắt chặt chi tiêu do sản xuất gặp khó khăn, các bếp ăn tập thể của doanh nghiệp ưu tiên chọn mặt hàng nhập giá rẻ về chế biến. Điều đáng báo động là tình trạng nhập khẩu rất nhiều sản phẩm chăn nuôi thải loại như: gà đẻ và thứ phẩm của lò mổ là nội tạng, đầu, móng giò… về làm thực phẩm. Để cuộc chơi công bằng hơn, khi xuất hàng đi các nước, doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ vấn đề truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, hàng nhập vào Việt Nam cũng cần phải đáp ứng thông lệ quốc tế, minh bạch hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình cấp phép có thể chủ động giảm thời hạn sử dụng của lô hàng từ 2-3 tháng, vừa tạo được hàng rào kỹ thuật, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người Việt.  

KIỂM SOÁT LẠM PHÁT NĂM 2024: CẦN THEO DÕI SÁT GIÁ CẢ CÁC MẶT HÀNG THIẾT YẾU

Để kiểm soát lạm phát ở mức 4-4,5% trong năm 2024, giá cả các mặt hàng thiết yếu cần theo dõi sát giá cả.

Những thách thức có thể tác động đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2024 bao gồm cả yếu tố bên trong nội tại nền kinh tế và yếu tố bên ngoài. Việt Nam lại là một quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn, nên khi nền kinh tế thế giới lạm phát gặp rủi ro sẽ tác động rất nhanh đến lạm phát trong nước. Thêm vào đó, hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp… Việc theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước là cần thiết. Từ đó có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Đồng thời cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.   

NGUY CƠ TĂNG GIÁ ĐIỆN BÌNH QUÂN SỚM

Quyết định 05/2024 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần, giá điện được tính thêm các khoản lỗ trước đây của ngành... khiến người tiêu dùng lo ngại giá điện có nguy cơ tăng mạnh ngay trong những tháng cao điểm.

Theo các chuyên gia kinh tế nhận xét, tuy Quyết định 05 được xây dựng trên tham vấn, báo cáo từ EVN, do Bộ Công Thương soạn thảo, song thực tế cho thấy, rất khó thực hiện theo đúng quy định tại quyết định này. Bởi việc cho phép EVN được quyền tăng giá điện bình quân từ 3% đến dưới 5%, tăng trước báo cáo Bộ Công Thương để phối hợp kiểm tra, giám sát sau theo hình thức "hậu kiểm" sẽ dễ xảy ra các yếu tố gây bất lợi cho người tiêu dùng. Nếu cứ cho người tiêu dùng cõng hết khoản lỗ lãi của ngành thì giá điện bình quân chắc phải tăng nhiều lần liên tục mới kham nổi. Người tiêu dùng không thể "cõng" cho những sai phạm của ngành, của cơ quan quản lý khi trả tiền mua điện.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam