• 1860 lượt xem
  • 18:18 30/06/2022
  • Xã hội

Điểm báo 30/6: Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng khá

Kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng khá; Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân; Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định; Để nông sản vùng miền “lên ngôi”... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 30/6.

KINH TẾ VIỆT NAM LẤY LẠI ĐÀ TĂNG TRƯỞNG KHÁ

Dù chịu tác động lớn của tình hình thế giới, nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn đạt 6,42%. Doanh nghiệp lạc quan với tình hình sản xuất, kinh doanh trong nửa cuối năm 2022. Thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 185,23 tỷ USD; đưa cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 710 triệu USD. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, các chuyên gia kinh tế cho biết trong những tháng tới, các bộ ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, quyết liệt, kịp thời hơn trong bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm. Bổ sung vốn cho các dự án đầu tư công, đồng thời, chủ động rà soát, điều chỉnh, điều chuyển nguồn vốn đầu tư công giữa các dự án... Thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng cũng là giải pháp cần tính đến trong giai đoạn 6 tháng tới. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Chính phủ bổ sung, hoàn thiện thể chế. Chủ động xúc tiến các hội nghị đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

CẦN ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ GIẢI NGÂN

Trên báo Đại đoàn kết trong số ra sáng nay, đến nay đã có hơn 1,2 triệu hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà của người lao động đã được xác nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân hơn nữa.

Theo quyết định số 08, có hai nhóm đối tượng được hỗ trợ, đó là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng và người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với phương thức chi trả hằng tháng. Trước tình trạng chậm giải ngân chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải hiện các địa phương bắt đầu hỗ trợ, tuy nhiên, tiền hỗ trợ chậm đến tay công nhân vì một số lý do. Nhiều địa phương quá trình tiếp thu chính sách rất nhanh, rất gọn. Tuy nhiên cũng còn nhiều địa phương thêm thủ tục, niêm yết công khai. Chính sách cho phép nhận theo tháng hoặc nhận 1 lần cho 3 tháng vì vậy một bộ phận công nhân muốn để tròn 3 tháng, tức là hết tháng 6 mới tiến hành. Và Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đã ban hành Công văn gửi các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2022.

ĐỂ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH

Sau hàng loạt vụ vi phạm xảy ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khiến cơ quan quản lý tăng cường kiểm soát, xử phạt, mới đây nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm đối với kế hoạch gọi vốn qua kênh phát hành trái phiếu. Thông tin được đăng tải trên báo Nhân dân.

Cụ thể, theo chuyên gia tài chính, việc doanh nghiệp hoãn phát hành trái phiếu, mua lại trái phiếu trước hạn là một chỉ báo tốt, có thể cho thấy doanh nghiệp đó đã cải thiện được nguồn vốn nên không cần phát hành trái phiếu nữa hoặc mua lại trái phiếu sớm hơn dự kiến. Về bản chất, việc giảm tỷ lệ vay trái phiếu giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí lãi vay cao (phổ biến ở mức lãi suất 9 - 14%/năm, cao gấp 1,5 - 2,5 lần lãi suất ngân hàng). Giảm vay trái phiếu cũng giúp bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp đẹp hơn khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu nhỏ đi, là một trong những chỉ báo quan trọng đánh giá mức độ an toàn tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư cần quan tâm. Tuy nhiên, bên cạnh lý do lạc quan, việc doanh nghiệp đang phát hành nhiều trái phiếu doanh nghiệp bỗng hủy kế hoạch phát hành, mua lại trái phiếu trước hạn cũng có thể là một chỉ báo tiêu cực đối với doanh nghiệp và nền kinh tế. Lý do phổ biến nhất là doanh nghiệp thiếu dự án đầu tư hoặc có dự án cần đến nguồn vốn nhưng bỗng “chùn chân” với kế hoạch gọi vốn bằng trái phiếu do bối cảnh không thuận lợi.

ĐỂ NÔNG SẢN VÙNG MIỀN “LÊN NGÔI”

Theo báo Hà Nội mới đưa tin, hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng được thương hiệu các loại nông sản đặc trưng vùng miền và tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng cao giá bán, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, bài toán về tiêu thụ nông sản vùng miền vẫn còn nan giải.

Việc xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền đã khó, để duy trì, phát huy hiệu quả, còn khó khăn gấp nhiều lần. Do đó, để các loại nông sản, đặc sản của địa phương phát huy hiệu quả, cạnh tranh được tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, theo các chuyên gia các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ vốn cho các đơn vị sở hữu thương hiệu nông sản đặc trưng để mở rộng đầu tư; tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu để nông dân tiếp cận được xu hướng thị trường, cung cấp nông sản đặc trưng, đặc sản vào các kênh phân phối hiện đại. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển sản xuất các loại đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP. Các địa phương cần lựa chọn một số sản phẩm có tiềm năng đặc trưng để quy hoạch, tập trung đầu tư sản xuất, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tiếp cận kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt, để đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vùng miền, các doanh nghiệp cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kết nối với doanh nghiệp bán lẻ thiết lập hệ thống phân phối.