Điểm báo ngày 24/12: Lương tối thiểu tăng thêm 6%: Có đáp ứng mức sống tối thiểu

Giải bài toán chi phí xây dựng công trình xanh; Lương tối thiểu tăng thêm 6%: có đáp ứng mức sống tối thiểu?; Hội, nhóm “đen” tràn lan mạng xã hội: người trẻ cần làm gì để bảo vệ mình?... là những tin có trong điểm báo sáng nay 24/12.

GIẢI BÀI TOÁN CHI PHÍ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH XANH

Được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển công trình xanh, thế nhưng nhiều DN Việt Nam không mấy mặn mà vì lo ngại chi phí tăng, khó cạnh tranh trên thị trường. Thông tin chi tiết đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến 30/9, Việt Nam mới có 305 dự án đạt các chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích khoảng 7,5 triệu mét vuông sàn xây dựng. Con số này được đánh giá là khá khiêm tốn. Doanh nghiệp, chủ đầu tư còn è dè trong việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như bảo đảm về chất lượng, thay vì thiết kế theo quy trình cũ và cần chỉ bổ sung thêm các đầu mục xanh để lấy điểm cho Hệ thống Chứng nhận công trình xanh. Các yêu cầu đối với vật liệu trong công trình xanh thường giải quyết các vấn đề về hiệu quả năng lượng, công bố và giảm tác động đến môi trường của vật liệu cũng như sức khỏe của người sử dụng công trình.

LƯƠNG TỐI THIỂU TĂNG THÊM 6%:  CÓ ĐÁP ỨNG MỨC SỐNG TỐI THIỂU?

Trên báo Đại đoàn kết có bài viết liên quan tới Lương tối thiểu tăng thêm 6%: Có đáp ứng mức sống tối thiểu?.

Theo đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt nam cũng như từ góc độ của các doanh nghiệp, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh NLĐ rất chia sẻ với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng cũng chỉ là một trong các giải pháp để cải thiện điều kiện sống cho NLĐ. Ngoài tăng lương tối thiểu, Chính phủ có thể xem xét đến các giải pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho NLĐ, như tăng cường kỹ năng nghề; tăng cường hỗ trợ, trợ cấp... Thực tế cho thấy, năng suất lao động được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng. Theo đó, để cải thiện năng suất lao động phải có những bước đi mang tính bền vững, trong đó, cần tập trung vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này vô cùng cấp thiết bởi tới đây thị trường lao động sẽ có sự dịch chuyển giữa các ngành nghề.

HỘI, NHÓM “ĐEN” TRÀN LAN MẠNG XÃ HỘI:  NGƯỜI TRẺ CẦN LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ MÌNH?

Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang kéo theo nhiều mặt trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Trong đó đáng chú ý là những hội, nhóm mang tính chất tiêu cực, lan truyền những nội dung phản cảm, kích động các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Hội những người thích đâm thuê chém mướn”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người đi tù”... Lợi dụng những hội nhóm này, nhiều đối tượng xấu đăng tải bài viết, bình luận kích động bạo lực, tệ nạn xã hội hoặc quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm... Đây là hành vi hết sức nguy hiểm vì không gian mạng. Hiện nay, các tập đoàn, công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới còn buông lỏng kiểm duyệt, quản lý nội dung, tài khoản mạng xã hội, nên các đối tượng dễ dàng thành lập các hội nhóm có tính chất vi phạm pháp luật”. Do đó, việc chọn lọc cũng như quyết định tham gia, chia sẻ thông tin từ các hội, nhóm không chính thống là một điều rất quan trọng, các bạn trẻ phải nhanh nhạy và sử dụng mạng xã hội thông minh, phải lựa chọn tham gia một cách cẩn trọng, đúng mực các hội, nhóm trên mạng xã hội. 

NHIỀU KÊNH RỬA TIỀN VẪN “LỌT LƯỚI”

Hàng chục vụ việc rửa tiền được khởi tố thời gian qua chưa phản ánh hết thực trạng rửa tiền ở Việt Nam. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các hình thức rửa tiền cũng muôn hình vạn trạng, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng. Bài viết đăng tải trên báo Đầu tư.

Đánh giá theo lĩnh vực, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và kênh
chuyển tiền phi chính thức tại Việt Nam được đánh giá ở mức cao. Nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, đánh bạc và trốn thuế. Để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp. Lĩnh vực bất động sản được đánh giá có nguy cơ rửa tiền cao ở Việt Nam là do các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản, nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.