Điểm báo 28/03: Vì sao đấu giá đất gặp khó?

Vì sao đấu giá đất gặp khó?; Vẫn bỏ phí phụ phẩm trong chăn nuôi; Kỳ thi “2 trong 1” bộc lộ nhiều bất cập; Nhà ở cho thanh niên công nhân: Cần giải pháp căn cơ;

VÌ SAO ĐẤU GIÁ ĐẤT GẶP KHÓ?

Trên tranh nhất báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay có bài viết về đấu giá đất. Theo bài viết, đấu giá quyền sử dụng đất được xem là một nguồn thu chính của các địa phương nhưng với sự đi xuống của thị trường nhà đất thời gian gần đây và những quy định pháp lý chưa đồng bộ, thống nhất đã khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn.

Việc thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sau những sự cố của công tác này, hầu hết các địa phương đã siết chặt quy chế đối với những hồ sơ tham gia đấu giá. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa liên quan đến vấn đề này là do pháp luật về
đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Các quy định về đấu giá đất được ban hành trong rất nhiều văn bản từ T.Ư đến địa phương, nhưng lại có sự điều chỉnh khác nhau, không thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Vấn đề cốt lõi vẫn phải hoàn thiện và đồng bộ các quy định liên quan đến pháp lý, trong đó căn nguyên là Luật Đất đai. Và vẫn còn một số quy định chưa thể chế đầy đủ chính sách giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW.

VẪN BỎ PHÍ PHỤ PHẨM TRONG CHĂN NUÔI

Việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm chăn nuôi không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu. Thế nhưng, nguồn phụ phẩm chăn nuôi hiện nay chưa được tận dụng triệt để, gây lãng phí. Thông tin đăng tải trên báo Nông thôn ngày nay số ra sáng nay.

Việc tận dụng phụ phẩm chăn nuôi là xu hướng phát triển chung để làm được việc này, doanh nghiệp phải tạo ra một chuỗi sản xuất gồm nhiều công đoạn thay vì chỉ làm một công đoạn duy nhất. Tuy nhiên, Chi phí để xử lý các phụ phẩm chăn nuôi hiện nay vẫn còn lớn so với thu nhập của nông dân hoặc mức độ đầu tư của doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị hệ thống cơ chế, chính sách cần đổi mới hiệu lực nhằm tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia, thông qua mặt bằng nông nghiệp sạch. Doanh nghiệp làm nông nghiệp tuần hoàn rất cần các chính sách giảm thuế khi đầu tư công nghệ vào lĩnh vực thu gom, chế biến các phụ phẩm chăn nuôi để nối dài chuỗi giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, Nhà nước xây dựng chính sách để thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm...

KỲ THI “2 TRONG 1” BỘC LỘ NHIỀU BẤT CẬP

Qua gần 10 năm tổ chức (kể từ năm 2015 đến nay), kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1” với mục tiêu ban đầu là lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) đã dần bộc lộ bất cập. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh đã khiến điểm thi tốt nghiệp THPT dần “lép vế”.

Theo bài viết, nên tách bạch 2 kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích quá khác nhau. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích, Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích kiểm tra năng lực học sinh và chất lượng dạy học theo chương trình phổ thông. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH là sự chọn lọc, so sánh năng lực giữa các thí sinh phù hợp với từng phân khúc trường nên độ phân loại cần phải cao hơn với thi THPT. Nếu kết hợp 2 kỳ thi này với nhau sẽ rất khó để đánh giá đúng thực chất học sinh. Điều này đã được chứng minh rất rõ ở những mùa tuyển sinh vừa qua, ở việc lạm phát điểm chuẩn ở các trường ĐH đến mức bất thường. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần tính đến giải pháp căn cơ hơn trong thi và tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi của các nhóm học sinh và giữa các vùng, miền.

NHÀ Ở CHO THANH NIÊN CÔNG NHÂN: CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ

Nhiều chính sách của Chính phủ đã và đang được triển khai để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị và công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới, giúp công nhân mua được nhà, yên tâm công tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội…

Để giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, theo Bộ Xây dựng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, đã thực hiện đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 chưa có quy định. Đồng thời chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”; Có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".