Điểm báo 25/7: Vi phạm bản quyền trực tuyến làm thất thoát hàng trăm triệu USD

Vi phạm bản quyền trực tuyến làm thất thoát hàng trăm triệu USD; Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp; Tìm giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề; Hàn Quốc mở rộng danh mục đầu tư vào Việt Nam, nâng kim ngạch thượng mại lên 100 tỷ USD vào năm 2023... là những tin tức đáng chú ý trên mặt báo sáng 25/7.

VI PHẠM BẢN QUYỀN TRỰC TUYẾN: THẤT THOÁT HÀNG TRĂM TRIỆU USD

Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu trong năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD. 

Cụ thể, theo thông tin bài viết đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng 25/7, tính đến tháng 6/2022, Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 website vi phạm bản quyền. Theo các cơ quan về công nghệ, nếu đẩy mạnh nỗ lực chống vi phạm bản quyền các nội dung video trực tuyến sẽ giúp tăng 3 lần doanh thu video trực tuyến. Kiểm soát được tình trạng vi phạm bản quyền sẽ tạo thêm 4.870 việc làm mới cho thị trường lao động. Song song với đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về bản quyền cũng rất quan trọng.

HỖ TRỢ HỘ NGHÈO, CẬN NGHÈO PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Một thông tin vui mừng gửi tới bà con nông dân thuộc hộ nghèo, và hộ cận nghèo trong buổi sáng đầu tuần hôm nay. Đó là Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 04/2022 hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Thông tin đăng tải trên tờ Nông thôn ngày nay

Theo thông tư, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ trên mọi lĩnh vực nông nghiệp, thì bà con nông dân sẽ được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ cán bộ đến tận hộ gia đình tư vấn chuyển giao kỹ thuật, kiến thức sản xuất nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, sản xuất nông nghiệp an toàn, sử dụng lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng...

TÌM GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ

Là “đất trăm nghề”, những làng nghề của Hà Nội là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và tạo thu nhập cho hàng vạn người dân nông thôn. Tuy vậy, những năm gần đây, số làng nghề trên địa bàn thành phố giảm nhanh; nhiều nghề truyền thống đã mai một, nhiều làng nghề đang hoạt động cũng đối mặt với khó khăn...

Theo bài viết đăng tải trên báo Hà Nội mới, Thành phố Hà Nội hiện có 318 làng nghề đã được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Mỗi làng nghề được công nhận đều mang bản sắc riêng, có sản phẩm đa dạng, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước... Tuy vậy, do quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế, một số làng nghề của Hà Nội đang đối mặt với không ít khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn, đến cả đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, cùng với Sở NN&PTNT, các sở, ngành của thành phố sẽ có kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển làng nghề như phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, hồ sơ thiết kế sản xuất bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã tại các làng nghề và hỗ trợ vay vốn với hợp tác xã....

HÀN QUỐC MỞ RỘNG DANH MỤC ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM, NÂNG KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI LÊN 100 TỶ USD VÀO NĂM 2023

Nếu như hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trước đây tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận có đông dân cư, thì nay đã và đang trải rộng ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Danh mục đầu tư cũng được mở rộng…Thông tin được đăng tải trên tờ VNeconomy.

Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể. Trong khu vực ASEAN, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc bằng tổng kim ngạch thương mại song phương của Hàn Quốc với 9 quốc gia còn lại. Về đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Không những thế, Hàn Quốc còn đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn song song với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ.