Điểm báo 24/03: Nới "trần" giờ làm thêm & Cần chế tài trả lương tương xứng

Tăng giờ làm thêm là nhu cầu cấp bách của các doanh nghiệp đặc biệt như trong lĩnh vực dệt may. Đây cũng là nhu cầu của hầu hết người lao động và cũng đang tăng ca trung bình khoảng 14 giờ/tuần. Tuy nhiên nếu đề xuất này không đi kèm với chế tài trả lương tương xứng với công sức của người lao động thì sẽ phát sinh kẽ hở.

NỚI "TRẦN" GIỜ LÀM THÊM: CẦN CHẾ TÀI TRẢ LƯƠNG TƯƠNG XỨNG

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tận dụng tối đa chủ trương này để tăng ca kịch trần nhằm giảm bớt người lao động, đặc biệt là các lao động tuổi ngoài 40 trở lên nhằm giảm bớt chi phí trả lương và Bảo hiểm xã hội.  Cũng theo bài viết thực tế không phải doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào cũng có nhu cầu tăng giờ làm thêm lên không quá 60 giờ/tháng. Bởi làm thêm giờ đồng nghĩa với việc trả thêm nhiều lương, trong khi chất lượng công việc của người lao động tính theo đường dài sẽ không cao.

LỜI GIẢI NÀO ĐỂ ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU ?

Diễn biến của thị trường xăng dầu trong thời gian qua một lần nữa cho thấy, việc quản lý giá xăng dầu, thị trường xăng dầu nói riêng và bảo đảm an ninh năng lượng nói chung cần một chính sách đồng bộ, dài hạn của tất cả các bộ ngành liên quan với những kịch bản cụ thể để có sự ứng phó kịp thời trước những biến động khó lường của thị trường thế giới. Bài viết trên báo Nhân dân.

Bài viết trích dẫn ý kiến của ông  Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Để điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu cần có dư địa, công cụ can thiệp để hài hòa lợi ích của các bên, đó là Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài phải tính tới công cụ thuế linh hoạt hơn, và phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần trong cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường.  Ngoài ra, cần tính tới cơ chế để tăng dự trữ quốc gia, tách bạch dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ lưu thông phân phối làm sao trong quy hoạch sản xuất để tăng dự trữ từ sản xuất đến lọc dầu, dự trữ về lọc dầu và thành phẩm.

CHUYÊN GIA GIẢI MÃ NHỮNG CƠN SỐT ĐẤT ĐANG LAN RỘNG

Chuyên gia giải mã những cơn sốt đất đang lan rộng” bài viết đáng chú ý trên báo điện tử Dân trí. Theo lý giải của một số chuyên gia, mặc dù kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng nhìn chung phát triển ở mức ổn định. Bên cạnh đó, rất nhiều kế hoạch đầu tư hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án được các địa phương công bố. Chính những yếu tố thông tin quy hoạch, kế hoạch triển khai khiến các nhà đầu tư chú ý, rót tiền để đi theo chiến lược đón đầu. Giá đất từ đó bị đẩy lên rất cao. Cũng Theo dự báo của một số chuyên gia, giá bất động sản 2022 tăng đáng kể do lạm phát. Theo đó, bất động sản luôn được đánh giá là một kênh trú ẩn giúp giảm thiểu rủi ro khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Mặc dù vậy, những đợt lạm phát lớn cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu về thuê hay mua bất động sản.

ĐỀ XUẤT GIÁO VIÊN, HỌC SINH LÀ F1 ĐI DẠY, ĐI HỌC: CÁC TRƯỜNG NÓI GÌ?

Trước thông tin của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc Sở sẽ phối hợp với Sở Y tế bàn bạc để đề xuất cho giáo viên, học sinh là F1 đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đi dạy và đi học, lãnh đạo các trường đã bày tỏ quan điểm. Bài viết phản ánh trên báo Thanh niên. 

Trong bối cảnh giáo viên liên tục nhiễm bệnh và rơi vào tình trạng thường xuyên là F1, theo quy định phải thực hiện cách ly y tế nên trường học không có lực lượng thay thế. Còn nếu chuyển qua dạy trực tuyến thì không hiệu quả như trực tiếp. Nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất cho giáo viên, học sinh là F1 đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đi dạy và đi học là quy định mở nhưng phải kèm theo điều kiện ràng buộc và tiêu chí cụ thể. Đối với học sinh, cần phải làm việc rất kỹ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và học sinh vì không thể chủ quan. Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết việc xem xét này phải dựa trên cơ sở đảm bảo an toàn sức khỏe cao nhất cho học sinh.