Điểm báo: Tìm cách kéo khách du lịch đến Việt Nam

Tìm cách kéo khách du lịch đến Việt Nam; Trao đổi sinh viên: Người học có mặn mà?; Khi người giàu “Thích được nghèo”; Nút thắt đăng kiểm được gỡ nhưng vẫn chưa hết "Rối"...Là những tin tức nổi bật có trong điểm báo sáng 21/5.

TÌM CÁCH KÉO KHÁCH DU LỊCH ĐẾN VIỆT NAM

Liên quan đến việc đưa du lịch Việt vào top 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết để thực hiện mục tiêu này. Theo báo Tuổi trẻ, điều quan trọng là phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam là gì: Ẩm thực, thiên nhiên, văn hóa hay con người...

 Báo Tuổi trẻ trích dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng, muốn tăng tỉ lệ quay trở lại của khách quốc tế, cần thay đổi cách làm du lịch. Du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn truyền tai nhau 7 nỗi sợ gồm: cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, thái độ phục vụ khách, nhà vệ sinh bẩn và ô nhiễm môi trường. Những vấn đề này đã và đang được giải quyết nhưng truyền thông đến với du khách còn yếu. Một trong những điểm tắc của Việt Nam khi đưa hình ảnh du lịch ra thế giới, là khâu marketing. Muốn truyền thông được thì cần định vị rõ ràng cho du khách về sản phẩm du lịch của Việt Nam. Chẳng hạn, khi nhắc đến Thái Lan du khách sẽ nghĩ đến biển, mua sắm, sự vui vẻ... nhưng nhắc đến Việt Nam, du khách vẫn chưa định hình được sản phẩm du lịch sẽ được trải nghiệm.

TRAO ĐỔI SINH VIÊN: NGƯỜI HỌC CÓ MẶN MÀ? 

Theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo được phép trao đổi sinh viên. Theo đó, người học được đăng ký môn học ở các trường khác nhau để tích lũy tín chỉ. Dù đã có hiệu lực hơn 2 năm, nhưng sinh viên vẫn chưa mặn mà với hình thức này. Bài viết trên báo Giáo dục và thời đại.

Dù nhận thấy chương trình mtrao đổi sinh viên giữa các trường rất hay và có ý nghĩa nhưng nhiều sinh viên vẫn không hứng thú với việc đăng ký. Một phần vì tâm lý ngại thay đổi, chưa sẵn sàng. Thứ nữa, khoảng cách địa lý và một số yếu tố khách quan khác nên nhiều sinh viên chưa tham gia hình thức trao đổi này. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhìn nhận, Nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện việc trao đổi sinh viên với trường quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động trao đổi người học giữa các trường trong nước chưa nhiều. Do đó, cần khuyến khích và đẩy mạnh hợp nữa hoạt động này.

KHI NGƯỜI GIÀU “THÍCH ĐƯỢC NGHÈO"

TP Đà Nẵng vừa phát hiện nhiều trường hợp trong diện phải đóng thuế thu nhập nhưng vẫn nộp đơn mua suất nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Theo báo Đại đoàn kết, hành động này sẽ tước đoạt cơ hội có nhà của hàng vạn lao động thu nhập thấp.

Báo Đại đoàn kết đề cập, Việc người giàu "thích được nghèo" không chỉ góp phần làm căng thẳng thêm nhu cầu mua nhà ở xã hội mà còn làm mất cơ hội về nhà ở của hàng vạn lao động tại các khu công nghiệp, người nghèo và đối tượng chính sách. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã yêu cầu chủ doanh nghiệp đầu tư dự án, rà soát các trường hợp mua căn hộ không có xác nhận về thu nhập cá nhân của cơ quan thuế, báo cáo về Sở trước ngày 25/5.

NÚT THẮT ĐĂNG KIỂM ĐƯỢC GỠ NHƯNG VẪN CHƯA HẾT "RỐI"

Việc ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm đã xảy ra trong suốt thời gian qua. Nhiều giải pháp tháo gỡ đã được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, thế nhưng đến thời điểm hiện tại việc đăng kiểm tại chỗ hay từ xa đều vẫn chưa hết khó. Bài viết trên báo điện tử VOV.

Nhiều đề xuất cho rằng, tất cả các phương tiện đến hạn nhưng không thể đăng kiểm hiện tại thì không bị xử phạt để giảm áp lực đổ đồn tại các trung tâm. Theo VOV, Những khó khăn, vướng mắc về hoạt động đăng kiểm trong suốt thời gian dài vừa qua đang cho thấy hoạt động này trước đây đã không được làm chặt chẽ, đúng mức. Vấn đề lúc này là sự thật đã được nhìn nhận rõ ràng thì việc sửa đổi cần khẩn trương hơn nữa vì hoạt động đăng kiểm liên quan trực tiếp đến sinh kế của hàng triệu người dân và doanh nghiệp. Nếu còn chậm ngày nào còn gây ra xáo trộn ngày đó; nhiều lao động trong ngành vận tải không có công ăn việc làm; hàng hóa không sao lưu thông được; tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống.