Điểm báo 21/12: Chặn tiêu cực trong đăng kiểm ô tô

Chặn tiêu cực trong đăng kiểm ô tô; Bảo hiểm thất nghiệp phải là “công cụ” quản lý thị trường lao động; Gỡ điểm nghẽn logistics cho nông sản; Quyết chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 21/12/2022.

CHẶN TIÊU CỰC TRONG ĐĂNG KIỂM Ô TÔ 

Trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị sáng nay đưa tin, nhiều trung tâm đăng kiểm bị phát hiện tồn tại sai phạm, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng khi cố tình để lọt xe cũ nát chính là tiếng chuông báo động về công tác quản lý, giám sát trong hoạt động đăng kiểm.

Một trong những tác nhân chính là mặt trái của quá trình xã hội hóa công tác đăng kiểm. Điều khiến các chuyên gia lo ngại chính là việc hầu hết những lỗi vi phạm được lặp lại với tần suất khá cao trong hoạt động kiểm định xe cơ giới. Điều này chứng tỏ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã không được thực hiện quyết liệt và rốt ráo, nhất là tại một số trung tâm đăng kiểm tư nhân hoặc các trung tâm được cổ phần hóa. Để hạn chế và đi đến ngăn chặn sai phạm và tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm, trước hết các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, mà cụ thể là Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thật sự có trách nhiệm, nghiêm minh, cương quyết trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu để phát hiện nhiều trạm đăng kiểm sai phạm, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực đăng kiểm.

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP PHẢI LÀ “CÔNG CỤ” QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Trong bối cảnh già hóa dân số, rủi ro ngày càng khó lường, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần được cải cách theo hướng gia tăng khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thất nghiệp và đảm bảo việc làm cho người lao động. Đây là thông tin được đăng tải sáng nay trên Thời báo tài chính Việt Nam.

Việc triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua đều cho thấy số người hưởng trợ cấp thất nghiệp luôn chiếm phần lớn hơn nhiều so với số người thụ hưởng các chính sách khác của BHTN. Tỷ lệ người nộp hồ sơ BHTN đã nhận trợ cấp thất nghiệp luôn ở mức 96 - 98%. Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động, chủ động phòng ngừa thất nghiệp và duy trì việc làm cho người lao động, nhiều chuyên gia khuyến nghị cần hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao năng lực nghề nghiệp để tăng cơ hội duy trì việc làm hoặc tìm kiếm việc làm mới. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng tiếp tục thực hiện, triển khai BHTN đặt trong chương trình tổng thể cải cách chính sách BHXH, lao động, tiền lương, thu nhập. Chú trọng giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp của người lao động...

GỠ ĐIỂM NGHẼN LOGISTICS CHO NÔNG SẢN

Logistics yếu kém đang cản trở tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung - cầu lệch nhau, khó khăn trong tiêu thụ, phân phối sản phẩm.

TPHCM hiện chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu nông sản của người dân thành phố, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Ngoài ra, yếu tố dịch vụ logistics cản trở phân phối sản phẩm, nhiều quan điểm cho rằng, nhiều vùng nguyên liệu thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, chất lượng sản phẩm chưa ổn định... Việc mua bán chủ yếu qua trung gian, phụ thuộc rất lớn vào thương lái thu mua. Để gỡ điểm nghẽn trong liên kết và tiêu thụ sản phẩm các chuyên gia cho rằng, cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu chung giữa TPHCM với các tỉnh thành. Đồng thời nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố mở rộng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tại các tỉnh với vai trò là doanh nghiệp đầu ngành.

QUYẾT CHẶN TÌNH TRẠNG SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC, KÉM CHẤT LƯỢNG 

Cứ vào cuối năm, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu giả, kém chất lượng, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ lại diễn biến phức tạp.

Những sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép, rượu nhập lậu không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm… sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất kinh tế, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp hoạt động chân chính. Mặc dù quy định pháp luật là người sản xuất rượu thủ công phải cam kết chất lượng, thế nhưng thực tế cho thấy các vụ ngộ độc rượu chủ yếu là sử dụng rượu thủ công, rất hiếm trường hợp sử dụng sản phẩm của những nhà sản xuất có tên tuổi có uy tín. Trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh hiểu được tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ đó hạn chế các hành vi vi phạm trong việc sản xuất và kinh doanh rượu.