Điểm báo 19/10: Nhiều đơn vị tư vấn không mặn mà định giá đất

Gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy lĩnh vực bất động sản phát triển bền vững; Nhiều đơn vị tư vấn không mặn mà định giá đất; Hỗ trợ doanh nghiệp cần đi vào thực chất; Không phải mọi bác sĩ đều có thể làm thêm, tiền lương chính là cơm áo; Doanh nghiệp “săn” sinh viên giỏi... là những tin có trong điểm báo sáng nay 19/10.

GỠ VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ, THÚC ĐẨY LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Phần điểm báo bắt đầu với bài viết đáng chú ý trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Những năm qua, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã đóng góp nguồn thu quan trọng, ổn định vào ngân sách các địa phương. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại những vướng mắc trong các quy định pháp luật khiến các địa phương lúng túng trong công tác định giá khi giao đất, cho thuê đất và xác định thời gian cho thuê đất.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, phản ánh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho biết, hiện nay theo quy định của pháp luật, lô đất triển khai dự án phải có nguồn gốc (hoặc một phần diện tích) đất ở thì mới được triển khai dự án nhà ở thương mại. Quy định này đã khiến các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ các loại đất sản xuất - kinh doanh, đất nông lâm nghiệp bế tắc kéo dài, gây lãng phí tài sản của nhà đầu tư và toàn xã hội.  

Theo LS. Nguyễn Hồng Chung, kể từ ngày Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không có một phần diện tích đất ở không thực hiện được.

NHIỀU ĐƠN VỊ TƯ VẤN KHÔNG MẶN MÀ ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Cũng liên quan đến những khó khăn, bất cập xung quanh lĩnh vực bất động sản, trên báo điện tử Dân trí. Theo bài viết, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc tìm đơn vị tư vấn định giá đất chất lượng. Bởi việc áp dụng các phương pháp định giá đất, nhất là thặng dư, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thẩm định viên do chưa có quy định cụ thể. Trong khi đó, việc định giá trên thực tế còn nhiều bất cập do cơ sở dữ liệu giao dịch bất động sản trên địa bàn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Ngoài ra, việc áp dụng phương pháp định giá khác nhau cho cùng một thửa đất, khu đất dễ dẫn đến kết quả chênh lệch

 HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CẦN ĐI VÀO THỰC CHẤT

Mất đơn hàng, thị trường bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu… là những khó khăn đang bủa vây hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp “dễ thở” hơn, rất cần thêm trợ lực.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm hơn so với mong muốn, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng chính sách hỗ trợ cần đồng bộ ở các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nêu quan điểm, cần thiết thực hiện cải cách thể chế, giảm gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ. Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính mà còn hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật.

KHÔNG PHẢI MỌI BÁC SĨ ĐỀU CÓ THỂ LÀM THÊM, TIỀN LƯƠNG CHÍNH LÀ CƠM ÁO

Tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức luôn là nội dung được nhiều người quan tâm. Đặc biệt, thời gian qua, nhiều cử tri nêu kiến nghị liên quan tới tiền lương khởi điểm của đội ngũ bác sĩ trong ngành y. Trên báo Lao Động có bài viết về nội dung này.

Theo bài viết, với đội ngũ bác sĩ, thời gian đào tạo học tập dài (6 năm) và thêm thời gian thực hành, sau đó mới làm việc chính thức và được hưởng lương bậc 1 (2,34) như đối với các ngành, nghề khác. Nhiều cử tri mong muốn có điều chỉnh đối tượng bác sĩ ngành y được hưởng lương khởi điểm ở bậc 2 (2,67) để phù hợp với thời gian đào tạo và thời gian thực hành. Chia sẻ về cải cách tiền lương sắp tới, đội ngũ y, bác sĩ mong muốn theo chế độ tiền lương mới có thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản để bác sĩ yên tâm cống hiến.

DOANH NGHIỆP “SĂN” SINH VIÊN GIỎI

Thay vì tuyển dụng theo cách truyền thống, nhiều doanh nghiệp hàng đầu đến các trường đại học lớn, phỏng vấn sinh viên khi họ chưa tốt nghiệp. Việc này giúp đơn vị tiếp cận với ứng viên tiềm năng, phù hợp nhu cầu thực tiễn.

Theo bài viết trên báo Giáo dục và Thời đại, doanh nghiệp đến tận trường đại học “săn” sinh viên giỏi trở thành xu hướng gần đây thông qua hoạt động ngày hội việc làm. Những ngày hội việc làm trở thành không gian kết nối giữa những nhà tuyển dụng với nguồn nhân lực trẻ mọi lĩnh vực, đặc biệt ở khối công nghệ - kỹ thuật, kinh tế. Sinh viên có thể tìm hiểu thị trường việc làm, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu hồ sơ ứng viên để định hướng trước khi ra trường.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam