Điểm báo 18/5: Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán

Thanh tra tổ chức kinh doanh chứng khoán: Lành mạnh hóa thị trường; Đừng để "bão giá" cản đường doanh nghiệp phục hồi; Chưa giải ngân được gói hỗ trợ thuê nhà 6.600 tỷ đồng; Cảnh báo 'đội lốt' cổ phần hóa, thoái vốn để bán đất; Thông luồng... Hướng nghiệp: Kỳ vọng ở chương trình mới ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng ngày 18/5/2022.

THANH TRA TỔ CHỨC KINH DOANH CHỨNG KHOÁN: LÀNH MẠNH HÓA THỊ TRƯỜNG

Thị trường chứng khoán đang ở trong sóng điều chỉnh mạnh với nhịp giảm 6 tuần liên tiếp và mất hơn 23% giá trị vốn hóa - nhịp giảm lớn nhất 10 năm qua. Phía Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục có thêm các giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh thị trường. Trên báo Kinh tế và đô thị số ra ngày hôm nay có bài viết nổi bật phân tích về nội dung này. 

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường, từ đó kịp thời phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định cũng như thực hiện giám sát hoạt động các công ty đại chúng. Cũng theo đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Việc thanh tra, kiểm tra trên thị trường chứng khoán là việc làm thường xuyên. Làm thị trường, mở rộng thị trường phải có kỷ cương và nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Việc xử lý vi phạm là tốt cho thị trường, đây không phải là lý do có thể ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

ĐỪNG ĐỂ "BÃO GIÁ" CẢN ĐƯỜNG DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI

Ghi nhận những ngày qua, giá xăng ở Việt Nam liên tục leo thang khiến cho các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa sau Covid-19 trở nên khó khăn khi cơn “bão giá” hàng hóa đang hình thành. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đang phải chịu quá nhiều áp lực về việc tăng giá các mặt hàng. “Bão giá” đang thực sự cản đường phục hồi của doanh nghiệp khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, tác động của “bão giá” đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong báo cáo tài chính quí I của phần lớn doanh nghiệp và đang có dấu hiệu tiếp tục kéo dài và “bùng lên” trong quí II. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, để lấy lại đà phục hồi sản xuất thì một trong những biện pháp cần làm ngay đó là phải nhanh chóng giảm độ trễ của chính sách. Đồng thời phải khẩn trương hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định giá nhiên liệu, để giảm bớt áp lực về các chi phí.

CHƯA GIẢI NGÂN ĐƯỢC GÓI HỖ TRỢ THUÊ NHÀ 6.600 TỶ ĐỒNG

Địa phương còn hoàn thiện thủ tục, doanh nghiệp, lao động đang làm hồ sơ nên gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng chưa được giải ngân, sau gần hai tháng Chính phủ phê duyệt. Thông tin trên báo điện tử Vnxpress.

Theo thông tin từ Cục Việc làm, Gói hỗ trợ chưa thể chi trả cho người lao động vì các địa phương đang rà soát, hoàn thiện các thủ tục. Doanh nghiệp, người lao động đang làm hồ sơ, lập danh sách và qua các bước xác nhận từ cơ quan chức năng. Nhiều lao động cho biết đang xin xác nhận từ chủ trọ do đầu hoặc giữa tháng 5 mới nhận được thông báo từ công ty, cá biệt có công nhân không biết về chính sách vì "không thấy công ty thông báo".

CẢNH BÁO 'ĐỘI LỐT' CỔ PHẦN HÓA, THOÁI VỐN ĐỂ BÁN ĐẤT

Trên báo Thanh niên có bài viết “Cảnh báo 'đội lốt' cổ phần hóa, thoái vốn để bán đất”. Bài viết đưa ra những phân tích của các chuyên gia lo ngại việc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu không được giám sát chặt sẽ dẫn tới nhiều sai phạm do cố tình mượn việc bán doanh nghiệp để bán đất.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh, chính vấn đề liên quan đến đất đai đã và đang làm cản trở quá trình cổ phần hoá, thoái vốn. Hiện trong nhiều trường hợp cổ phần, thoái vốn đang không bán doanh nghiệp mà bán đất. Rất nhiều sai phạm cổ phần hoá hiện nay là bán đất nhưng “đội lốt” là bán doanh nghiệp. Cũng theo vị chuyên gia này, tất cả vấn đề sai phạm như sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng hay nhượng đất đều xuất phát từ việc chúng ta cho thuê đất quá lâu, trong thời gian dài. Việc áp giá thị trường vào tính giá trị tài sản của doanh nghiệp gây khó khăn cho cổ phần hoá.

THÔNG LUỒNG... HƯỚNG NGHIỆP: KỲ VỌNG Ở CHƯƠNG TRÌNH MỚI

Phân tích những điểm mới trong hướng nghiệp cho học sinh, Trên báo Giáo dục và Thời đại có bài viết Thông luồng... hướng nghiệp: kỳ vọng ở chương trình mới.

Theo bài viết, lâu nay việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp THPT.  Điều này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên khi vào giảng đường đại học mới vỡ ra đã chọn nhầm hướng đi. Tình trạng trên sẽ được hạn chế khi Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 10. Theo chia sẻ của một số chuyên gia và thầy cô giáo, việc xây dựng chương trình lớp 10 theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi ngày một mạnh mẽ, áp lực cạnh tranh tương lai cũng ngày càng lớn hơn.