Điểm báo 18/12: Cuối năm, lại "nóng" nhập lậu gia súc, gia cầm

Cuối năm, lại "nóng" nhập lậu gia súc, gia cầm; Kinh doanh theo trào lưu: Nhiều cơ hội, lắm rủi ro; Hàng loạt giáo viên nghỉ việc: Nỗi lo còn dài; Gần 10.000 công trình xây dựng không phép, sai phép tại Hà Nội;…là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 18/12.

CUỐI NĂM, LẠI NÓNG NHẬP LẬU GIA SÚC, GIA CẦM 
 
Tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm qua biên giới thời gian vừa qua diễn ra phức tạp, đặc biệt gia tăng vào dịp cuối năm. Hệ lụy của tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi trong nước, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra đầu tuần hôm nay. 
 
Việt Nam hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với đàn trâu hiện có 2,2 triệu con, đàn bò 6,41 triệu con, đàn lợn 24,83 triệu con, đàn gia cầm 532,59 triệu con. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã phát hiện 131 vụ, liên quan đến nhập lậu gia súc, gia cầm tại 13 tỉnh trên cả nước. Nguy cơ nhập lậu gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm vẫn rất cao, phức tạp, khó lường. Nguyên nhân chủ yếu do thời điểm cuối năm, trước và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa lễ hội tại các địa phương nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng rất cao. Mặt khác tác động của thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, các tỉnh phía Bắc mưa rét nhiều, thậm chí có rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sức sản xuất, tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm. Một tác động nữa là giá sản phẩm động vật biến động ở các nước liền kề cũng như thị trường chung trên thế giới diễn ra khá mạnh, chênh lệch giá lớn nên là cơ hội để người kinh doanh, thương lái sẵn sàng bằng nhiều hình thức tiếp tay cho việc nhập lậu qua biên giới.
 
KINH DOANH THEO TRÀO LƯU: NHIỀU CƠ HỘI, LẮM RỦI RO 
 
Xu hướng kinh doanh theo trào lưu không quá mới mẻ tại Việt Nam. Đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ số, các trào lưu, xu hướng kinh doanh càng được lan truyền nhanh chóng, vì thế, các mô hình “ăn theo” cũng được sao chép theo cấp số nhân.
 
Chuyên gia nhận định, hiện tượng kinh doanh theo trào lưu không mới. Nhìn chung, xu hướng này chỉ dành cho những người đi đầu, những người đi sau rất dễ thất bại hoặc không có lợi nhuận như mong muốn. Để tránh được rủi ro khi tham gia kinh doanh theo trào lưu, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy sáng tạo để tạo ra sự khác biệt. Trào lưu ẩm thực có thể qua đi rất nhanh, nếu không nhanh tay tạo ra nét riêng hấp dẫn thì việc mở sau đối thủ sẽ khiến doanh nghiệp bị tụt giảm doanh thu bởi khách hàng thường ấn tượng với những cửa hàng mở đầu tiên, những tên tuổi lớn. Chính sự khác biệt và sáng tạo sẽ khiến sản phẩm của doanh nghiệp mở sau có sức cạnh tranh cao, giữ được khách khi “đỉnh trào lưu” qua đi.
 
HÀNG LOẠT GIÁO VIÊN NGHỈ VIỆC: NỖI LO CÒN DÀI 
 
Việc chật vật với chuyện “cơm áo gạo tiền”, không ít các thầy cô đã từ bỏ con đường dạy học để rẽ nhánh sang hướng đi khác. Và thay vì đến lớp dạy học thì nay các thầy cô lại bươn chải với các công việc làm thêm, thậm chí có thầy cô còn xuất khẩu lao động sang nước ngoài.
 
Thực tế, làn sóng giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua. Khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tình trạng thiếu giáo viên còn nghiêm trọng hơn nhiều, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi. Trong khi đó, việc tuyển mới là rất khó khăn, có nhiều người không tham gia dự tuyển, thậm chí có người khi trúng tuyển tại các khu vực này cũng bỏ việc, không nhận công tác ở những khu vực khó khăn như vậy.
 
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay cả nước vẫn thiếu 127.583 người. Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Việc giáo viên nghỉ việc, chuyển việc nếu nhiều quá sẽ trở thành một trào lưu. Điều này sẽ vô tình tạo ra tinh thần tiêu cực tới đội ngũ giáo viên đang làm nghề. Chính vì thế phải có những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Cần tạo ra nguồn động lực  để thầy cô được sống và cống hiến với nghề.
 
GẦN 10.000 CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG KHÔNG PHÉP, SAI PHÉP TẠI HÀ NỘI 
 
Hiện TP Hà Nội có hơn 7.326 công trình xây dựng không phép, hơn 2.294 công trình xây sai phép. Thông tin đăng tải trên báo Lao động
 
Một số địa phương có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nổi cộm như huyện Đông Anh có 5.795 công trình không phép, quận Hai Bà Trưng có 855 công trình không phép, 15 công trình sai phép, đang rà soát 756 công trình khác. Quận Nam Từ Liêm có 559 công trình xây dựng sai phép.
 
Hà Nội đang rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật về việc cấp giấy phép xây dựng, tình hình trật tự xây dựng đối với các loại hình công trình nhà ở như chung cư, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ (nhà trọ), nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao…
 
Thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, cần phải khẩn trương rà soát, đánh giá đối với các công trình đã đưa vào sử dụng để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy, chữa cháy để xử lý nghiêm. Đồng thời có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về phòng cháy, chữa cháy nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tài sản cho người dân.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam