Điểm báo 15/4: Khẩn trương tăng nguồn cung để giải "cơn khát" vàng

Khẩn trương tăng nguồn cung để giải "cơn khát" vàng; Băn khoăn quy định “chờ 1 năm” mới được rút BHXH một lần; Giá điện 2 thành phần: Chỉ mới nghiên cứu thí điểm; Xem xét thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 15/4.

KHẨN TRƯƠNG TĂNG NGUỒN CUNG ĐỂ GIẢI "CƠN KHÁT" VÀNG  

Nếu Ngân hàng Nhà nước không nhanh chóng nhập khẩu vàng bổ sung nguồn cung cho thị trường để bình ổn “cơn khát vàng” hiện nay, tình trạng giá vàng leo đỉnh sẽ quay trở lại. Thông tin đáng chú ý đăng tải trên báo VOV.    

Cụ thể, theo bài viết, các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng thực hiện bằng những hàng động cụ thể. Đó là tăng nguồn cung vàng cho thị trường, khi đó sẽ ổn định tâm lý người dân và hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ… từ đó góp gần kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Tuy nhiên, việc tăng nguồn cung nhưng phải ở một lượng vừa đủ, làm sao để  không ảnh hưởng đến tỷ giá, nhưng góp phần ổn định thị trường vàng. Đồng thời đến nay, khoảng cách chênh lệch có lúc lên đến 16-17 triệu đồng/lượng, như thời điểm này đang chênh lệch ở mức 12 triệu đồng/lượng. Điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng, vì mức chênh lệch quá cao. Chuyên gia nhận định, tình trạng giá vàng chênh lệnh cao như hiện nay là do thiếu hụt lớn giữa cung và cầu, nếu giải quyết được nút thắt lớn này, thị trường sẽ ổn định trở lại. 

BĂN KHOĂN QUY ĐỊNH “CHỜ 1 NĂM” MỚI ĐƯỢC RÚT BHXH MỘT LẦN

Báo Nông thôn Ngày nay đầu tuần có bài viết, nhiều người lao động đề nghị bỏ quy định “chờ 12 tháng” mới được rút BHXH một lần.    

Theo lý giải, quy định “chờ 12 tháng” mới được rút BHXH một lần gây khó khăn cho người lao động bởi vì, khi người lao động cần tiền để trang trải nhu cầu cấp bách trước mắt mới cần rút BHXH. Nếu đợi 12 tháng sau mới nhận gây khó khăn cho cả người lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc quản lý, kiểm soát. Ngoài ra, dự luật Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần bổ sung các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người lao động. Cụ thể như chính sách hỗ trợ về tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người lao động có thời gian đóng BHXH. Để giải quyết khó khăn lớn của người lao động liên quan tới tài chính, có thể yêu cầu ngân hàng hỗ trợ thêm. Có thể tăng cường chương trình vốn tín dụng cho công nhân, lao động nghèo. Có thể dùng chính sổ BHXH để thế chấp. Vấn đề cần cho vay với lãi suất thấp, không nên bỏ quy định “chờ 12 tháng” mới rút BHXH”.    

GIÁ ĐIỆN 2 THÀNH PHẦN: CHỈ MỚI NGHIÊN CỨU THÍ ĐIỂM

Thông tin mới nhất vừa được Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra liên quan đến đề xuất thí điểm giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng trong năm nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Báo Đại Đoàn Kết sáng nay đưa tin.

Cơ chế giá điện 2 thành phần được hiểu là bao gồm giá công suất và điện năng. Như vậy, trong hóa đơn tiền điện sẽ hiển thị 2 thành phần tính giá điện gồm giá công suất, được khách hàng đăng ký theo "gói công suất" gắn với nhu cầu sử dụng. Thành phần thứ hai là giá điện năng gắn với lượng điện thực tế sử dụng. Cơ chế giá điện 2 thành phần sẽ tương tự như gói cước viễn thông mà hiện các nhà mạng hiện đang áp dụng. Trong khi đó, cơ chế giá điện hiện chỉ áp dụng 1 thành phần điện năng (đồng/kWh). Cơ chế này chưa tạo ra giá bán điện phản ánh đúng chi phí mà người sử dụng điện gây ra cho hệ thống điện... Việc áp dụng thí điểm cơ chế giá bán điện 2 thành phần bước đầu chỉ mang tính chất tính toán, nghiên cứu ứng dụng và không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng sử dụng điện, do đó khách hàng tiếp tục trả tiền điện theo biểu giá điện hiện hành.    

XEM XÉT THU HẸP ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHỊU THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Quan tâm tới dự Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, liên quan đến quy định chế tài đối với hành vi vi phạm, hành vi bị cấm, hiện dự thảo chưa quy định về các hành vi bị cấm và chế tài đối với hành vi vi phạm Luật Thuế GTGT. Để tăng hiệu lực thực thi, các ý kiến đề nghị nên bổ sung các nội dung này, ngoài các nội dung quy định chung xử lý vi phạm trong Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định 126 và các văn bản hướng dẫn thi hành chung cho các loại thuế, sắc thuế bởi Luật Thuế GTGT có những đặc thù riêng. Chẳng hạn: gian lận về hóa đơn, chứng từ; vi phạm về thời gian nộp thuế khấu trừ thuế, hoàn thuế; lừa đảo chiếm đoạt thuế... Đồng thời, trong việc xác định những sản phẩm mới qua sơ chế thông thường cần quy định bao gồm cả những sản phẩm bỏ xương, băm, lột da, nghiền, cán mỏng, bảo quản theo phương thức hút kín khí vào đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam