Điểm báo 12/9: Tầm nhìn "Hổ Châu Á"

Tầm nhìn "Hổ Châu Á"; Giá nhà ở xã hội bị chê đắt, Bộ Xây dựng nói gì?; "Cởi trói" cho doanh nghiệp vận tải hành khách; Để học phí không là rào cản... là những tin có trong điểm báo sáng nay 12/9.

TẦM NHÌN "HỔ CHÂU Á"

Sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam là tâm điểm dư luận trong những ngày gần đây. Nhiều tờ báo đã có bài bình luận về sự kiện lớn này. Khuôn khổ hợp tác "Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ đặt Mỹ vào vị trí ngang với các đối tác tin cậy của Việt Nam như Nga hay Trung Quốc.

Theo báo Tuổi trẻ, tác động từ chuyến thăm của Tổng thống Biden lên các công ty Mỹ sẽ phải từ từ mới cảm nhận được. Các công ty lớn có kế hoạch được điều chỉnh tùy lúc chứ không phải ngay lập tức. Thực tế, Việt Nam có cơ hội tốt để thành "hổ Châu Á" so với một số nước khác trong ASEAN. Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, trình độ kỹ thuật trung và cao cấp, cũng như tiếp tục cải cách. Điều quan trọng là Việt Nam có thể gia tăng giá trị trong nước, vì điều này giúp tránh khỏi các cáo buộc nói Việt Nam chỉ nhập khẩu đầu vào và lắp ráp để xuất khẩu.

GIÁ NHÀ Ở XÃ HỘI BỊ CHÊ ĐẮT, BỘ XÂY DỰNG NÓI GÌ?

Theo cử tri tại một số địa phương, hiện nhà ở xã hội bán giá rất cao, người dân có thu nhập thấp khó có thế tiếp cận được. Cử tri kiến nghị quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. “Giá nhà ở xã hội bị chê đắt, Bộ Xây dựng nói gì?” là tiêu đề bài viết trên báo điện tử Vietnamnet.

Trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, về giá bán nhà ở xã hội (NƠXH), hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo ý kiến của các Đại biểu Quốc hội sau khi lấy ý kiến lần thứ 1 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV. Vietnamnet đề cập, một chủ đầu tư làm NƠXH tại Hà Nội cho biết, ghi nhận trong 5 năm qua, giá NƠXH đã tăng gần gấp đôi. Trước đây, tại Hà Nội, giá NƠXH khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 nhưng nay đã gần 20 triệu đồng/m2. Có thể thấy, không chỉ tăng giá ở dự án NƠXH mở bán lần đầu, mà tại thị trường thứ cấp giá NƠXH cũng đi lên trong nhiều năm qua.  

"CỞI TRÓI" CHO DOANH NGHIỆP VẬN TẢI HÀNH KHÁCH

Theo quy định hiện hành, nữ giới trên 50 tuổi và nam giới trên 55 tuổi sẽ không được điều khiển xe ô tô trên 30 chỗ. Tuy nhiên dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an đang đề xuất bỏ quy định này. Ngay lập tức, nội dung trên của dự luật nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Bài viết trên báo Kinh tế và đô thị.

Theo Kinh tế và Đô thị, quy định giới hạn tuổi tối đa đối với tài xế ô tô đang khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “méo mặt”. Đã đến lúc nên bỏ quy định trên để “cởi trói” cho doanh nghiệp cũng như đội ngũ lái xe. Một số nước ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ quy định đối với người lái xe trên 60 tuổi thì chu kỳ khám sức khỏe phải rút ngắn lại. Đó là chưa kể, trong nghề lái xe, kinh nghiệm là một yếu tố rất giá trị, nếu giới hạn độ tuổi tối đa như quy định hiện hành, vô hình chung đã lãng phí một lượng tài nguyên lớn cả về con người và kinh nghiệm trong lĩnh vực lái xe.

ĐỂ HỌC PHÍ KHÔNG LÀ RÀO CẢN

Theo số liệu tuyển sinh năm 2022, 2023, cả nước có hàng trăm nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1. Đáng chú ý trong số đó có nhóm lý do liên quan đến yếu tố tài chính. "Để học phí không là rào cản" là bài viết đáng chú ý trên báo Đại đoàn kết.

Trên thực tế, học phí tăng cao là nỗi lo của không chỉ thí sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà ngay tại thành thị, nhiều gia đình cũng chật vật để xoay xở đóng học phí cho con em mình. Theo Đại đoàn kết, một thực tế là hiện nay nguồn thu của phần lớn các trường đại học của Việt Nam là từ học phí. Nên dù năm nay chưa tăng học phí song những năm sau, lộ trình tăng học phí là không thể tránh khỏi. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ từ nhiều phía để học phí không là rào cản khi thí sinh chọn ngành, chọn trường đại học.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam