Điểm báo 07/10: Du lịch nông thôn: “Mỏ vàng” chờ khai thác

Du lịch nông thôn: “Mỏ vàng” chờ khai thác; Thị trường lao động đang phục hồi bền vững; Giáo dục nghề nghiệp: Thách thức lớn trong chuyển đổi số; Không chủ quan với tỷ giá;... là những tin tức đáng chú ý trong nước sáng 07/10/2022.

DU LỊCH NÔNG THÔN: “MỎ VÀNG” CHỜ KHAI THÁC

Khu vực nông thôn được ví như “mỏ vàng”để ngành du lịch đa dạng sản phẩm thu hút du khách. Tuy nhiên, để khai thác tốt phân khúc này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Hiện cả nước có 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, TP và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Ở nhiều địa phương du lịch nông thôn đang là mũi nhọn để phát triển kinh tế. Riêng TP Hà Nội, với 806 làng nghề, du lịch nông thôn được xem là“mỏ vàng”của du lịch Thủ đô. Tuy nhiên, du lịch nông thôn được cho là phát triển còn manh mún, tự phát, chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể. Để khắc phục những bất cập này, các chuyên gia du lịch cho rằng, địa phương cần có quy hoạch và đầu tư vào du lịch nông thôn bài bản. Đặc biệt, cần có kế hoạch và mời chuyên gia cùng xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để đạt hiệu quả cao, tránh đầu tư nhiều mà khả năng khai thác thấp, đồng thời nên tập trung vào thế mạnh du lịch làng nghề...

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐANG PHỤC HỒI BỀN VỮNG

Trên trang nhất Thời báo tài chính Việt Nam đưa tin, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục đà khởi sắc, thị trường lao động quý III năm 2022 tiếp tục phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2022 tăng, thu nhập bình quân và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tình trạng thiếu việc làm được cải thiện dù chưa trở về về bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, đang tồn tại tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở nhiều tỉnh, thành, đa số là thiếu lao động phổ thông.

Cụ thể, thị trường lao động chứng kiến sự tăng trưởng về quy mô của lao động có việc làm ở cả 6 vùng kinh tế - xã hội. Ba vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 đã ghi nhận mức phục hồi mạnh. Trong quý III/2022, số người có việc làm chính thức đạt 17,8 triệu người, tăng 642,8 nghìn người (tương ứng tăng 3,8%) so với quý trước, tăng 2,7 triệu người (tương ứng tăng 19,4%) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. Sự phục hồi của lao động chính thức là tín hiệu đáng mừng đối thị trường lao động. Khi lao động phi chính thức giảm xuống, lao động chính thức tăng lên, cho thấy có sự dịch chuyển từ phi chính thức sang chính thức. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường lao động phát triển bền vững hơn.

GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP: THÁCH THỨC LỚN TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cần bảo đảm tính linh hoạt để thích ứng với việc cung cấp kỹ năng cho người học. Đặc biệt, cần phải có sự tham gia của các bên liên quan đến thị trường lao động trong đào tạo.

Theo bài viết báo Giáo dục và Thời đại, một trong những vấn đề đối với việc phát triển GDNN là phải luôn luôn gắn liền với thị trường lao động và việc làm. Cùng với đó là mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cả trong phạm vi toàn quốc và vùng miền, địa phương. Hệ thống GDNN cần phải có sự liên thông, khớp nối giữa các cấp bậc học, các trình độ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thêm nữa, rất khó để đào tạo bao quát hết được các ngành nghề mà nhu cầu sử dụng lao động cần đến. Trên thực tế, có những ngành nghề được đào tạo chính quy tại các cơ sở GDNN. Do vậy, việc tham gia tích cực của bên sử dụng lao động và doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khi nhiều việc làm có sự thay đổi về bản chất, tính chất.

KHÔNG CHỦ QUAN VỚI TỶ GIÁ

Tỷ giá tăng khiến cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gia tăng gánh nặng. theo giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi tình hình để lựa chọn thị trường phù hợp và đồng tiền thanh toán có lợi. Thông tin đăng tải trên báo Đại đoàn kết số ra sáng nay.

Tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ vẫn ở mức ít hơn nhiều so với tỷ lệ mất giá của nhiều ngoại tệ khác. Nếu tính đến 20/9/2022, so với cuối năm 2021, nhiều đồng tiền chủ chốt trong khu vực và trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD. Tuy mức giảm giá của đồng Việt Nam thấp nhưng biến động tỷ giá trên thị trường thế giới khiến giá cả hàng hóa thay đổi. DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhiều lo lắng. Theo ý kiến của các chuyên gia, trong điều hành chính sách tiền tệ phải "rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái", nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý trong điều hành DN thời gian tới, nhất là liên quan tới điều hành lãi suất, thị trường trái phiếu DN. Để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về. Vì vậy Việt Nam cần có sự linh hoạt trong chính sách tiền tệ.