• 1115 lượt xem
  • 06:16 05/03/2022
  • Kinh tế

Để Việt Nam và Nhật Bản cùng tận dụng được cơ hội phát triển sau đại dịch

Tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản về “Động lực mới trong chuỗi cung ứng Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn hậu Covid-19: Hàm ý đối với hợp tác Nhật Bản – Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được coi là chìa khóa mở ra cơ hội cùng hưởng lợi từ chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hậu đại dịch.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Tuy nhiên, bối cảnh hậu đại dịch cũng mở ra những cơ hội mới để phục hồi chuỗi cung ứng. Với nền tảng đối tác “chiến lược, toàn diện, sâu rộng”, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được coi là chìa khóa mở ra
cơ hội, khắc phục khó khăn, thúc đẩy việc cùng tham gia, cùng phát triển và cùng hưởng lợi trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản về “Động lực mới trong chuỗi cung ứng Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn hậu COVID-19: Hàm ý đối với hợp tác Nhật Bản – Việt
Nam”.

Đại dịch COVID-19 có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đến Quý II/2022, căng thẳng địa chính trị gia tăng, tình hình Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp là những thách thức nổi bật cho phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Trong bối cảnh này, phát huy hợp tác giữa các nền kinh tế ở khu vực, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, ngày càng trở nên quan trọng. Nhật Bản nằm trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Trong đó, hơn 65% vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hai nước cũng là thành viên của nhiều định chế/thỏa thuận kinh tế - tài chính khu vực và toàn cầu, với nền kinh tế có tính bổ sung cao xét cả về mức độ phát triển, trình độ công nghệ, cơ cấu thương mại, cấu trúc dân số. 

Để phát huy tiềm năng hợp tác, theo các chuyên gia, Việt Nam cần củng cố niềm tin của nhà đầu tư thông qua việc triển khai các chính sách cụ thể về kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Ông NGUYỄN ANH DƯƠNG, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Phải kiểm soát dịch hiệu quả. Đây là câu chuyện Việt Nam phải cam kết và thực hiện một cách chặt chẽ hơn trong thời gian tới, bên cạnh đó là phải nhanh chóng thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có nội dung về hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích đầu tư công và cải cách hành chính. Điều quan trọng ở đây là đà phục hồi của Việt Nam phải đủ nhanh, đủ lớn để đảm bảo Việt Nam không lạc nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực.”

GS. TOSHIRO NISHIZAWA, Trường chính sách công, Đại học Tokyo: “Những nhà làm chính sách tại Việt Nam cần có cách tiếp cận trọng tâm, trọng điểm vào những vấn đề quan trọng nhất, tránh phân tán, dàn trải, tránh tư duy làm việc mà thiếu đi sự tham vấn của các bên liên quan. Bên cạnh đó, khi làm chính sách cần có sự phân kỳ cụ thể theo các giai đoạn.”

Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, trên nhiều lĩnh vực đa dạng như điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, bất động sản, và cả những lĩnh vực rất mới như xây dựng đô thị thông minh, vườn ươm khởi nghiệp, AI, Blockchain, Fintech, các chuyên gia mong muốn, trong quá trình này, Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, cải thiện năng lực cho các doanh nghiệp, người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, phục hồi xanh, phát triển bền vững theo cam kết của các quốc gia tại COP 26, vốn là xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay./.
 

Kim Ngọc