Đề nghị tăng phụ cấp với giáo viên mầm non lên tối thiểu 70%

Thiếu giáo viên là một vấn đề rất cấp bách của ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt là ở khối mầm non. Đây là khối có nhiều đặc thù riêng nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Tăng đãi ngộ với giáo viên mầm non là đề xuất được quan tâm tại nghị trường Quốc hội.

Một ngày làm việc của cô Phương, cũng như nhiều giáo viên mầm non khác bắt đầu từ lúc 7h sáng, dọn dẹp vệ sinh sẵn sàng đón trẻ, nhưng kết thúc rất muộn, có khi đến tận 18 giờ nếu có phụ huynh đón con trễ. Hoạt động cho trẻ mầm non cũng đặc thù khi vừa ăn, vừa chơi, vừa học tập, vừa vận động, các cô phải linh hoạt vừa dạy vừa dỗ.

Cô ĐỖ LAN PHƯƠNG, Giáo viên Khối mẫu giáo lớn, trường Mầm non Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nội: “Chúng tôi có thể phải mang đồ về nhà làm đồ chơi như soạn giáo án, sổ sách,…vì nhiều khi ở trên lớp không thể làm hết được và không đảm bảo an toàn cho các con. Với khối lượng công việc như vậy tôi thấy mức lương cũng chưa tương xứng vì chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống của chúng tôi, nhất là ở các thành phố lớn.”

Sau thời gian trường mầm non đóng cửa gần 1 năm vì dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non bỏ việc, khiến tình trạng thiếu nhân lực cấp học này càng trầm trọng. Số giáo viên ở lại càng chịu áp lực lớn hơn khi phải gồng gánh với tình trạng thiếu đủ thứ, mà hệ quả ban đầu chính là lần bốc thăm để đi học mầm non dở khóc dở cười mới đây.

Cô TRỊNH THỊ THU HƯƠNG, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội: “Dù chỉ tiêu trẻ 5 tuổi có hạn nhưng chúng tôi đã xin thêm 100 chỉ tiêu nhằm đảm bảo phổ cập giáo dục mầm non, nên các lớp còn lại chúng tôi không thể nhận hết được. Chúng tôi không còn 1 phòng học nào trống, giáo viên thì có hạn các cô đều đang làm hết công suất .”

Với tình hình khó khăn ấy, ngành giáo viên mầm non cũng chỉ nhận được mức lương và đãi ngộ rất thấp.

Bà DƯƠNG MINH ÁNH, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước”

Ông NGUYỄN KIM SƠN, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất cũng là ở bậc giáo viên mầm non, số nghỉ việc ở giáo viên mầm non chiếm tới trên 40%. Đề nghị Quốc hội xem xét việc điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non, hiện nay đang tính là 35%, nếu tốt nhất đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi cho nhóm giáo viên mầm non tương tự như mức phụ cấp ưu đãi so với y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.”

 Bên cạnh đó, giảm tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non cũng là giải pháp được nhiều người trong nghề ủng hộ. Bởi giải pháp căn cơ nhất để giải bài toán thiếu nhân lực là nâng cao chế độ đãi ngộ chứ không chỉ là tăng số lượng 1 cách cơ học, cố giữ chân những người đã mệt nhoài sau nhiều năm cống hiến.

Đức Minh