Dấu ấn lập pháp tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV

Với 6 luật và 3 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa kết thúc đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc lập pháp. Không những thế, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về hàng loạt dự luật khác, liên quan mật thiết đến đời sống dân sinh như dự Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).

Kỳ họp vừa rồi đã cho thấy sự tập trung tâm lực, trí lực của cả Quốc hội để có quyết sách đúng đắn, góp phần hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo đà cho sự phát triển của đất nước.

Mỗi đại biểu có 60 giây để quyết định biểu quyết về những vấn đề quan trọng của quốc gia. Nhưng để chuẩn bị cho 60 giây ngắn ngủi đó là nỗ lực, trí tuệ, trách nhiệm, khó có thể lượng hóa của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong suốt một quá trình. Tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận thẳng thắn, tập trung và dân chủ, Quốc hội đã thông qua 6 luật với sự đồng thuận rất cao. 

Bà TRẦN THỊ KIM NHUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: “Các vị đại biểu cũng phát huy rất sôi nổi, rất tích cực, tâm huyết; các ý kiến phản ánh được nhiều góc cạnh, với cái nhìn đa chiều và đặc biệt mang được hơi thở cuộc sống đến diễn đàn Quốc hội”.

Ông DƯƠNG KHẮC MAI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông: “Có những điều khoản được đại biểu bàn luận rất là kỹ, còn có ý kiến khác nhau thì đưa ra Quốc hội để biểu quyết riêng cho từng điều khoản một, để tạo sự đồng thuận trong Quốc hội”.

Lần đầu tiên Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với Dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là dự án luật cực kỳ quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến xem xét tại 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương: “Gần 1 ngày để thảo luận có đến hơn 100 đại biểu đăng ký, qua đó thấy được sự quan tâm của các đại biểu. Luật Đất đai thực sự là luật rất nóng, đề cập đến nhiều vấn đề. 250 trang, 16 chương, 245 điều…”

Thực tế đã cho thấy, trên 70% khiếu kiện hiện nay thuộc lĩnh vực đất đai. Do đó dự thảo luật lần này sẽ là khung pháp lý cơ bản để đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội. Chính bởi vậy nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo cử tri.

Ông TRẦN VĂN MỚI, Cử tri huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ: "Trong sửa đổi Luật đất đai thì có nhiều nội dung trong đó nội dung cơ bản là trong thực hiện quy hoạch đền bù giải tỏa. Đây là điểm rất quan trọng đảm bảo cuộc sống người dân, khi giải tỏa đền bù đi nơi khác có cuộc sống từ bằng đến cao hơn đây là điểm người dân rất phấn khởi.

Tại kỳ họp này, mặc dù Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ 2 đối với đự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), song do một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, còn những băn khoăn nhất định, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đi tới thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này. Lùi không phải là chậm trễ mà để bởi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng luật. Bởi đây là dự án luật rất quan trọng, liên quan tới chiến lược chăm sóc sức khoẻ toàn dân.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Với một tinh thần rất đổi mới, trên một nguyên tắc quan trọng là lấy người bệnh làm trung tâm cho nên rất nhiều vấn đề trong Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lần này chúng ta phải có những điều chỉnh những vấn đề cơ chế quản lý, những vấn đề điều kiện tiêu chuẩn khám chữa bệnh…công tác điều trị…yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực….những vấn đề chính sách khác. Tôi cho rằng đây là những vấn đề rất quan trọng mà luật cần phải xử lý kỹ càng, đầy đủ”

Chủ tịch Quốc hội từng chia sẻ, nhắc nhở, khát vọng hùng cường, khát vọng phát triển và ý chí quật cường của dân tộc phải trông chờ vào các đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định, trong đó có đột phá về thể chế. Cho nên vai trò, trách nhiệm của Quốc hội là rất lớn. Làm sao để chúng ta có một hệ thống luật pháp về mặt hình thức phải đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, nhưng về mặt nội dung phải đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững hơn nữa, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa. Đó là điều chúng ta phải trăn trở.

Dương Dung