Đại biểu Quốc hội trăn trở trước vấn nạn bạo lực học đường

Bạo lực học đường không phải vấn đề mới nhưng lại đang có dấu hiệu gia tăng đáng báo động về mức độ nguy hiểm. Đáng lo ngại hơn là lý do dẫn đến bạo lực chỉ là va chạm, xích mích nhỏ. Làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình trạng bạo lực học đường là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 mới đây.

Đây là clip ghi lại một vụ học sinh đánh nhau xảy ra tại thành phố Buôn Ma Thuột vào đầu tháng 11/2023. Một nhóm học sinh ép 1 nam sinh vào tường và liên tiếp dùng mũ bảo hiểm, tay đánh tới tấp vào người chỉ vì mâu thuẫn. Mới đây, trên địa bàn lại xảy ra việc một học sinh bị chém trọng thương sau giờ tan học. Những sự việc nghiêm trọng liên tiếp khiến nhiều em học sinh lo lắng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, mới hơn 2 tháng bắt đầu năm học 2023-2024, địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ bạo lực học đường với 19 đối tượng liên quan.

Trăn trở trước vấn nạn bạo lực học đường, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, để ngăn chặn bạo lực học đường cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần đổi mới về văn hoá ứng xử cho học sinh.

Mỗi năm học, nước ta xảy ra hơn 1.500 vụ bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường; cứ 5.200 học sinh lại có 1 học sinh đánh nhau... Những vụ việc ngày càng nghiêm trọng lại gióng lên hồi chuông báo động về chuẩn mực, đạo đức học đường. Ngoài giải pháp của ngành giáo dục, để ngăn chặn bạo lực học đường, nhà trường, gia đình và tổ chức đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Việt Bảo