Đại biểu Quốc hội “hiến kế” ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá

Sáng 28/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Đấu giá tài sản sửa đổi. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đó là làm sao để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá. Trong đó, nhiều đề nghị nâng tiền đặt trước lên tối đa 30% giá khởi điểm; phạt 30-50% tiền đặt cọc, bồi thường chi phí tổ chức, thậm chí xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá.

Luật hiện hành quy định mức tiền đặt trước từ 5-20% giá khởi điểm, sau khi trúng đấu giá chuyển thành tiền đặt cọc. Trong khi đó, nhiều trường hợp giá khởi điểm thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc. 

Tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu cho rằng nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh và không thu hút được người tham gia đấu giá tài sản. Để xử lý vấn đề này, đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền mua tài sản và không chứng minh được vì lý do bất khả kháng, thì ngoài việc bị mất tiền đặt trước còn phải bị phạt thêm một số tiền.

Cũng liên quan đến chế tài xử phạt, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế.

Giải trình các vấn đề được đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết nguyên lý Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức. Luật này không thể điều chỉnh toàn bộ các quy trình liên quan đến một tài sản, mà phải tuân thủ theo pháp luật chuyên ngành.

Liên quan đến chế tài đối với người bỏ cọc, bộ trưởng Tư pháp cho biết sẽ nghiên cứu bổ sung, siết chặt trong các quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong đó, còn có các yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, vấn đề trách nhiệm của người quản lý cũng phải tổng hợp rất nhiều các quy định.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam