• 2254 lượt xem
  • 14:58 11/06/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Tranh dân gian Kim Hoàng" - Dấu ấn không thể lẫn từ màu sắc đến thơ trên tranh

Trong kho tàng di sản văn hóa- nghệ thuật của dân tộc, tranh dân gian có một vị trí quan trọng do tính chất lâu đời và phổ biến của nó. Với ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hóa những ý niệm triết học về vũ trụ quan, về nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người.

Tranh dân gian Việt Nam được phân thành 2 loại: Tranh Thờ và tranh Tết. Chơi tranh trong dịp Tết như một nét sinh hoạt văn hoá đặc biệt, hy vọng vào điều tốt lành sẽ tới với mọi người, để cảnh sắc thêm tươi vui, không gian nhà cửa ấm áp. Trong đó tranh Kim Hoàng- với dấu ấn không thể lẫn từ màu sắc như giấy hồng điều, sắc màu đỏ cam đến những câu thơ đề trên góc bức tranh luôn được người dân Việt nam ưa chuộng.

Khi nhắc đến tranh dân gian Kim Hoàng, mọi người đều nghĩ đến nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa bởi bà đã dành nhiều thời gian, say mê, mong mỏi phục dựng dòng tranh này. Trong chuyên mục" Cuốn sách tôi chọn" hôm nay, xin mời quý vị và các bạn lắng nghe những chia sẻ cũng như tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa về cuốn sách” Tranh dân gian Kim Hoàng” ấn phẩm của Nhà xuất bản Thế giới và Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội: "Tranh Kim Hoàng là được tô hoặc in ở trên nền đỏ là chủ yếu. Cái nền đỏ của tranh Kim Hoàng thường phần lớn là màu đỏ cam. Trong quá trình mà tôi phục dựng tranh kim hoàng thì tôi có bổ sung thêm một số nền màu khác, ví dụ như là nền màu đỏ điều hoặc nền màu đỏ sen để tạo nên sự phong phú và đỡ nhàm chán cho tranh Kim Hoàng. Qua quyển sách của tôi, tôi cũng muốn định vị cho mọi người ở trong ý thức là khi nhìn thấy bức tranh, người ta có thể là phân biệt được đâu là tranh dân gian Hàng Trống, đâu là tranh dân gian Kim Hoàng và đâu là tranh dân gian Đông Hồ.

Đối với tranh dân gian Kim Hoàng thì rất đơn giản, khi bạn nhìn thấy một cái bức tranh nền đỏ thì đến 95% đấy là một bức tranh Kim Hoàng. Đối với việc phục dựng tranh dân gian Kinh Hoàng thì năm 1917 đê Liên Mạc vỡ đã cuốn theo toàn bộ, mộc bản bị ngâm trong nước, khoảng một tháng thì đã bị hỏng và sau đấy là cả làng nghề cứ teo tóp dần, cho đến năm khoảng 1947 thì là dừng hẳn. Nó là thời điểm cuối cùng khi tranh dân gian Kim Hoàng còn xuất hiện ở trên ở trên thị trường.

Dựa vào quyển sách ngữ văn của tác giả người Pháp thì tôi đã phục dựng lại một số mẫu, ví dụ như là khi nói đến tranh Kim Hoàng thì sẽ nói đến cặp “Lợn độc” của Kim Hoàng cũng như là cặp “Thần kê” của Kim Hoàng. Màu đỏ là màu mang lại sinh khí, mang lại may mắn, mang lại hạnh phúc cũng như là có thể nó dùng để trấn trạch trong những dịp năm mới. Khi người ta mua tranh Tết thì người ta rất thích  mua tranh có nền đỏ để treo .

Đề tài tranh trước đây mà đã từng tồn tại thì chỉ còn lại một số mẫu là có thể là bán được ở hiện tại. Thế nhưng dự án Kim Hoàng chỉ hoàn thành khi nghệ nhân có thể sống tốt được với nghề. Chính vì thế mà dự án của tôi đã phải tìm một số họa sĩ chuyên về khắc gỗ, người ta sẽ phải sáng tạo ra những mẫu mới

Khi mà tôi tham gia vào dự án Kim Hoàng thì tôi đã biến cái không thể thành cái có thể, tôi cũng mong rằng đối với cả những cái bạn trẻ mà yêu mến những văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian thì cũng hãy cố gắng là biến những cái không thể thành cái có thể như tôi đã từng làm và tôi đã thành công và tôi cũng mong muốn rằng là có rất nhiều bạn trẻ yêu thích tranh dân gian Việt Nam nói chung cũng như là tranh dân gian Kim Hoàng."

Văn Thắng