• 2819 lượt xem
  • 15:42 17/04/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: Sức mạnh của thói quen - Cuốn sách giúp định hình thói quen tốt, từ bỏ thói quen xấu

Thói quen bắt đầu từ một hành động có tính chất lựa chọn. Một thói quen đạo đức bắt đầu từ một sự lựa chọn có tính đạo đức. Do vậy, thói quen phản ánh tâm tính, nhân sinh quan và giá trị đạo đức của mỗi chúng ta. Như ca dao Việt nam có câu: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè”.

 NGUYỄN MINH PHƯƠNG, Đại sứ văn hóa đọc năm 2021: “Là một người trẻ, luôn tò mò về các khía cạnh cuộc sống, tôi quan tâm rất nhiều đến thể loại sách khoa học sức khỏe và tâm lý vì nó thể hiện được chính những điều xảy ra xung quanh mình. Đầu tiên là để giải đáp những thắc mắc và vấn đề của bản thân, sau đó là tôi mong muốn có thể chia sẻ với các bạn trẻ cũng gặp những băn khoăn về tâm lý giống như mình. Việc duy trì và hình thành được thói quen học tập, sinh hoạt hiệu quả là điều rất quan trọng và cuốn sách này đã giúp ích tôi rất nhiều để làm được điều đó.

Cuốn sách “Sức mạnh của thói quen” là một trong những cuốn sách mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của tôi về não bộ và thói quen. Nó không phải là kiến thức bề mặt chỉ dẫn chúng ta cần làm gì mà sách đi vào phân tích các yếu tố hình thành thói quen. Từ việc hiểu được thói quen, chúng ta có thể biết cách thay đổi bản thân mình, có thể tác động đến những người xung quanh cũng như biết cách tạo lập, vận hành hoạt động đội nhóm hiệu quả hơn.

Một ngày chúng ta đưa vào não bộ quá nhiều thông tin, và nếu bộ não liên tục hoạt động, ghi nhớ từng hành động nhỏ một như việc điều khiển từng cử chỉ hay bước đi thì sẽ tốn rất nhiều năng lượng. Vậy nên cần chuyển những hành vi lặp lại đó thành hành vi tự động, hay vô thức và đó chính là thói quen. Nhờ vậy bộ não con người được tinh chỉnh để nhỏ gọn và tối ưu hơn.

Cuốn sách chỉ ra để hình thành thói quen cần 3 thành tố: Gợi ý -  Hành động - Phần thưởng. Một khi thói quen đã được hình thành, nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức và không thể thay đổi. Dù đó là thói quen tốt hay xấu. Nó lý giải cho việc dù đã từng kỷ luật thế nào, chúng ta vẫn có thể ngã vào thói quen xấu cũ một cách dễ dàng.”

Để từ bỏ thói quen xấu, cuốn sách đưa ra các bước thay đổi “hành động”, một mắt xích của vòng lặp thói quen. Tiếp cận những thay đổi một cách từ từ, tạo những chiến thắng nhỏ. Ví dụ như việc học, kế hoạch học tập của tôi thường không rõ ràng, tôi có khả năng tập trung kém, nhưng bằng cách chia nhỏ khoảng thời gian học 10 phút, 20 phút sau đó tăng dần lên đã giúp tôi tập trung tốt hơn.

Cuốn sách không phải kiến thức học thuật phức tạp, mà tác giả đã đưa ra các thông tin cấu tạo não bộ cơ bản liên quan đến việc hình thành trí nhớ, thói quen, đưa ra những ví dụ đời thật về các cá nhân, các tập thể. 

Đối với tập thể, đội nhóm, tác giả đưa ra ví dụ về cách vận hành của các tổ chức thành công. Cách họ xây dựng một chuỗi các thói quen tốt, cách tìm người trao quyền và chịu trách nhiệm thế nào để đạt hiệu quả cao. Để tạo ra những thói quen mới cần kiên trì và kiên nhẫn cho đến khi thấy được kết quả, không nên thay đổi quá nhiều một lúc. Từng bước biến nghị lực thành thói quen.

Tuy không chứa nhiều kiến thức học thuật, nhưng để hiểu cặn kẽ và nắm được các luận điểm mà cuốn sách đưa ra, độc giả cần có sự tập trung phân tích và liên kết thông tin khi đọc. Việc kiểm soát, thay đổi thói quen là không dễ dàng nhưng giờ đây chúng ta biết bản thân là người nắm quyền, nhìn nhận mọi việc với góc độ thói quen và trở nên sáng suốt hơn trong các hành động.

Sách phù hợp với các bạn trẻ, các bạn học sinh, sinh viên, giúp cho việc điều chỉnh hành vi của bản thân; phù hợp cho các đội nhóm, tổ chức và cả với các bậc cha mẹ, để hiểu được các thói quen hình thành và tạo ra môi trường hiệu quả cho sự phát triển của con trẻ.

Việt Hòa – Như Huỳnh