• 1030 lượt xem
  • 16:12 24/09/2022
  • Văn hóa

Cuốn sách tôi chọn: "Miền sau cánh cửa" - Lời tự sự của nhà báo Trần Nhật Minh về cuộc sống

"Miền sau cánh cửa” là cuốn sách đầu tay của nhà báo Trần Nhật Minh được NXB Văn học ấn hành. Cuốn sách gồm 38 bài viết thấm đẫm chất suy tư, tinh tế của một con người vừa luôn hoài niệm vừa luôn khao khát khám phá – xê dịch. Cuốn sách có thể xem là món quà ân tình suốt chặng đường 30 năm làm báo của Trần Nhật Minh dành cho gia đình, cho Hà Nội và cho những vùng đất anh may mắn được đặt chân qua.

Nhà báo TRẦN NHẬT MINH – Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật – Đài Tiếng nói Việt Nam:

"Miền sau cánh cửa" là cuốn sách đầu tay của tôi. Nó là sự tập hợp của rất nhiều những bài viết, nhiều thể loại khác nhau từ quãng đời gần 30 năm làm báo của tôi. Và đến một thời điểm mà tôi nghĩ là cũng nên in lại với mục đích duy nhất là nó như một kỷ niệm, cũng muốn chia sẻ cái tâm sự, trải nghiệm của mình với bè bạn, với bạn đọc.

Thứ nhất là những câu chuyện trong gia đình của tôi. Những ký ức, kỷ niệm nó gắn với nơi tôi sinh ra là khu phố cổ Hà Nội, có nhiều những thăng trầm, rất nhiều những ký ức buồn có, vui có. Mảng thứ hai là chặng đường tôi làm báo đi khắp các miền trong cả nước, cũng như là chuyến đi nước ngoài, những ghi chép lại trong nhật ký của mình và hình thành nên bài báo đã đăng trên các báo viết cũng như trên làn sóng phát thanh.

Tôi là người hay hoài niệm, hay nhìn lại phía sau. Nhìn lại để mà mình dùng những giá trị đó phục vụ cho công việc hiện tại cũng như những khát khao, khát vọng của ngày tới. Hà Nội trong tôi là những kỷ niệm rất là đẹp. Nó rất cụ thể, nó có những hình ảnh thực sự máu thịt, gần gũi với tôi thủa bé với gia đình, cha mẹ, ông bà và những người xung quanh, rồi những bạn bè nghệ sỹ của gia đình tôi. Cái đó đọng trong những bài viết của tôi và tôi cũng muốn viết sao cho chân thực nhất.

"Miền sau cánh cửa", tôi có một ẩn dụ đó là phía sau cánh cửa ngôi nhà mình đó là sự bình yên, đó là những ký ức đẹp. Khi mình khép cửa lại là mình bỏ qua bên ngoài những bụi bặm, những ồn ã, những xô bồ của đởi sống và mình trở lại những giá trị của gia đình và từ lõi đó mình nhìn rộng ra ở bên ngoài, nhìn thấy bè bạn, nhìn thấy đồng nghiệp, nhìn thấy số phận đã đi đồng hành cùng với mình và những vùng đất luôn luôn tạo cho mình những nguồn cảm hứng. Đó là ý tứ của tên cuốn sách.

Sợ nhất của người làm báo, người sáng tạo đó là thiếu mất nguồn năng lượng sáng tạo. Và nguồn năng lượng sáng tạo đó không chỉ là một mình mình, mà nó rất cần sự cộng hưởng của đồng nghiệp, thậm chí là những độc giả yêu thương mình, giúp cho mình thêm sức mạnh rất nhiều.

Tôi cũng chỉ mong một điều giản dị là người đọc đón nhận cuốn sách như đón nhận những lời tâm sự của tôi về cuộc sống, về Hà Nội, về những miền đất mà tôi đã đi qua".

Minh Công