Cụm tin quốc tế tối 20/7: Đảng Bảo thủ bầu chọn 2 ứng cử viên cuối cùng cho vị trí Thủ tướng Anh

Đảng Bảo thủ bầu chọn 2 ứng cử viên cuối cùng cho vị trí Thủ tướng Anh; Tỷ lệ lạm phát cao kỷ lục – thách thức với tân Thủ tướng Anh; Nhật Bản tổ chức quốc tang cố Thủ tướng Abe Shinzo vào ngày 27/9; Những điểm nhấn trong chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga; Thủ tướng Sri Lanka được bầu làm tân Tổng thống; Châu Âu trải qua mùa hè thiêu đốt... là những tin tức quốc tế nổi bật tối 20/7.

ĐẢNG BẢO THỦ BẦU CHỌN 2 ỨNG CỬ VIÊN CUỐI CÙNG CHO VỊ TRÍ THỦ TƯỚNG ANH

Chiều 20/7 (theo giờ địa phương), 3 ứng cử viên cuối cùng đủ điều kiện tranh cử vị trí Lãnh đạo Đảng Bảo thủ, thay thế Thủ tướng Anh Boris Johnson, bao gồm Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Quốc vụ khanh chính sách thương mại, Bộ Thương mại Penny Mordaunt và Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã bước vào vòng bỏ phiếu thứ năm. Đây cũng chính là 3 ứng cử viên liên tục dẫn đầu 4 vòng bỏ phiếu từ ngày 13/7 cho đến nay. Dự kiến, kết quả bầu chọn 2 ứng cử viên cuối cùng cạnh tranh cho cương vị Thủ tướng Anh sẽ được công bố vào tối nay. 

Theo kết quả được công bố bởi Ủy ban 1922 - cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tiếp tục dẫn đầu vòng bỏ phiếu thứ 4 diễn ra vào hôm qua, với 118 phiếu.

Bà Penny Mordaunt giành được 92 phiếu, và cuối cùng là Ngoại trưởng Liz Truss với 86 phiếu. 

Ứng cử viên giành được ít phiếu nhất là Cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch, với 59 phiếu, và đã bị loại khỏi cuộc đua. 

Như vậy, ông Rishi Sunak sẽ chỉ cần nhận thêm 1 phiếu bầu nữa để chắc chắn có mặt trong danh sách 2 ứng cử viên cuối cùng. 

Trong khi đó, bà Penny Mordaunt và bà Lizz Truss sẽ phải tích cực vận động sự ủng hộ của số nghị sĩ đã bỏ phiếu cho bà Badenock.

3 ỨNG CỬ VIÊN SÁNG GIÁ

Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã liên tục dẫn đầu 4 vòng bỏ phiếu trong nội bộ Đảng Bảo thủ Anh và được coi là ứng cử viên sáng giá cho vị trí Thủ tướng Anh. Khởi động chiến dịch tranh cử, ông Rishi Sunak khẳng định sẽ là một Thủ tướng “trung thực”, tập trung vào phát triển kinh tế, giải quyết tình trạng lạm phát. 

Ông RISHI SUNAK, Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh: “Giải quyết lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cắt giảm thuế. Đây là cách tiếp cận dài hạn, sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho các gia đình và doanh nghiệp trên khắp Vương quốc Anh. Tôi sẵn sàng cống hiến tất cả những gì tôi có để phục vụ đất nước của chúng ta, để khôi phục lại lòng tin, xây dựng lại nền kinh tế và thống nhất đất nước.”

Bà Penny Mordaunt, Quốc vụ khanh chính sách thương mại, Bộ Thương mại Anh, từng giữ cương vị Bộ trưởng Phát triển quốc tế. Năm 2019, bà là nữ chính khách đầu tiên được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Anh. 

Bà PENNY MORDAUNT, Quốc vụ khanh Chính sách thương mại, Bộ Thương mại Anh: “Người dân Anh đã chán ngấy những lời hứa không được thực hiện, chán ngấy với nền chính trị gây chia rẽ hiện nay. Vậy làm cách nào để xoay chuyển tình thế này? Trong chính quyền của tôi, bạn sẽ nhìn thấy và cảm nhận được những điều rất khác.”

Bà Liz Truss được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Anh vào tháng 9/2021, trở thành nữ chính khách thứ hai tại Anh đảm nhiệm cương vị này. Trước đó, bà từng giữ chức Bộ trưởng Thương mại từ tháng 7/2019.

Bà LIZ TRUSS, Ngoại trưởng Anh: “Tôi có kế hoạch đưa Anh trở thành nền kinh tế tăng trưởng cao trong 10 năm tới, thông qua cải cách mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ cắt giảm thuế, giúp các doanh nghiệp đầu tư vào tương lai của họ. Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề chi phí năng lượng tăng cao, kiểm soát chi tiêu của chính phủ.”

Sau khi hai ứng cử viên cuối cùng được ấn định, khoảng 160.000 thành viên Đảng Bảo thủ sẽ bầu lãnh đạo mới bằng việc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện. Người chiến thắng trong vòng bỏ phiếu cuối cùng này sẽ trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng nước Anh, và sẽ được công bố vào ngày 5/9.

TỶ LỆ LẠM PHÁT CAO KỶ LỤC – THÁCH THỨC VỚI TÂN THỦ TƯỚNG ANH

Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố ngày hôm nay cho thấy, lạm phát ở nước này trong tháng Sáu đã đạt mức 9,4%, cao nhất trong vòng 40 năm qua, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở nước này.

Tỷ lệ lạm phát của Anh đã tăng trong 9 tháng liên tiếp, từ mức 2,5% vào tháng 6/2021. Giá xăng dầu tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, cùng với giá thực phẩm tăng gần 10% được cho là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo, lạm phát sẽ đạt đỉnh trên 11% khi hóa đơn năng lượng tăng mạnh trở lại vào mùa Thu tới. Giải quyết lạm phát, phục hồi kinh tế, chính vì vậy, được xem là thách thức chính đối với Tân Thủ tướng Anh trong tương lai.

NHẬT BẢN TỔ CHỨC QUỐC TANG CỐ THỦ TƯỚNG ABE SHINZO VÀO NGÀY 27/9

Theo NHK, chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch tổ chức quốc tang cho cố Thủ tướng Abe Shinzo tại Võ Đạo quán Nhật Bản, ở trung tâm thủ đô Tokyo vào ngày 27/9. Thông tin chi tiết về quốc tang sẽ được quyết định dựa trên mong muốn của gia đình ông Abe.

Ngày 14/7 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thông báo nước này sẽ tổ chức quốc tang cho cựu Thủ tướng Abe Shinzo vào mùa Thu, nhận định những thành tựu trong lĩnh vực chính trị và ngoại giao của ông Abe là lý do để tổ chức quốc tang. Trước đó, ngày 12/7, đám tang ông Abe Shinzo đã được tổ chức với sự tham dự của các thành viên gia đình và bạn bè. Quốc tang của ông Abe sẽ là lễ tang cấp nhà nước thứ hai đối với một Thủ tướng Nhật Bản. Lần gần đây nhất Nhật Bản tổ chức quốc tang cho một nhà lãnh đạo quốc gia là vào năm 1967, với tang lễ của Thủ tướng Yoshida Shigeru.

NHỮNG ĐIỂM NHẤN TRONG CHUYẾN THĂM IRAN CỦA TỔNG THỐNG NGA

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm Iran, tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên với các nhà lãnh đạo đồng cấp Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Nga Putin tới khu vực bên ngoài Liên Xô trước đây, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua. Được nhận định là mang tính đối trọng với chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và A rập Xê-út diễn ra vài ngày trước đó, chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Putin đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về kế hoạch tăng cường quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với Iran, đối mặt với làn sóng trừng phạt từ phương Tây. 

Các chuyến thăm trước đây của ông Putin tới Iran đều gắn với một số sự kiện đa phương được tổ chức tại thủ đô Teharan, lần này là hội nghị 3 bên theo "thể thức Astana", gồm Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran. 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh lần này không phải là lý do duy nhất dẫn dắt nhà lãnh đạo Nga tới Iran. 

Nếu như Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, thì Iran cũng đang hứng chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Theo các chuyên gia, hợp tác song phương sâu rộng giữa Nga và Iran có thể dẫn đến các thỏa thuận hai bên cùng có lợi, đồng thời giảm bớt áp lực của các lệnh trừng phạt. Đây cũng là nội dung thảo luận xuyên suốt trong các cuộc gặp của Tổng thống Nga với các nhà lãnh đạo Iran.

Theo Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, Tehran và Moscow cần hợp tác lâu dài và cảnh giác trước những động thái của phương Tây, cho rằng, đồng đô la Mỹ cần được dần loại bỏ khỏi hệ thống thương mại toàn cầu. 

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: “Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Iran, các khía cạnh cụ thể của hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế đã được thảo luận chi tiết. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và giao thông, sử dụng tiền tệ của mỗi quốc gia trong các giao dịch thanh toán trực tiếp giữa hai nước.”

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kể từ xung đột Ukraine. 

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: Tại cuộc gặp song phương với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định được đưa ra là hợp tác Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển năng động trên nhiều lĩnh vực. Các vấn đề về an ninh lương thực và hợp tác để tạo điều kiện cung cấp ngũ cốc của cả Nga và Ukraine cho thị trường thế giới đã được thảo luận.”

Với những kết quả được ghi nhận, chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Iran được đánh giá sẽ giúp tăng cường lợi ích chiến lược của Nga trong thời gian tới.

THỦ TƯỚNG SRI LANKA ĐƯỢC BẦU LÀM TÂN TỔNG THỐNG

Ngày 20/7, Quốc hội Sri Lanka đã bầu Thủ tướng nước này Ranil Wickremesinghe trở thành Tổng thống mới của Sri Lanka.

Ông Wickremesinghe giành được 134 phiếu bầu từ Quốc hội gồm 225 thành viên, bỏ xa 2 đối thủ còn lại. Theo quy định, một ứng cử viên nhận được số phiếu bầu cao nhất, tối thiểu hơn 1/3 số phiếu hợp lệ sẽ trúng cử. Ông Wickremesinghe từng 6 lần đảm nhiệm chức Thủ tướng Sri Lanka. Ông trở thành quyền Tổng thống theo quy định của Hiến pháp Sri Lanka sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi đất nước và thông báo từ chức. Trên cương vị Tổng thống Sri Lanka, ông Wickremesinghe đối mặt với nhiệm vụ đưa quốc đảo Nam Á này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập năm 1948. 

CHÂU ÂU TRẢI QUA MÙA HÈ THIÊU ĐỐT

“Nóng lên toàn cầu” là từ khóa thể hiện rõ nét toàn cảnh tình hình khí hậu trên thế giới trong thời gian qua, đặc biệt khi Châu Âu đang phải đối phó với các đợt nắng nóng đỉnh điểm và cháy rừng nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Màu đỏ của nắng nóng gay gắt và cháy rừng là màu sắc bao phủ nhiều quốc gia châu Âu trong tuần qua. Các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang phải tích cực đối phó với tình trạng cháy rừng lan rộng. Trong khi đó, Anh và Pháp cũng đang ghi nhận các đợt nắng nóng kỷ lục khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nước Anh đang tan chảy, Trái đất đang cảnh báo chúng ta – là tiêu đề trên trang nhất của nhiều tờ báo tại Anh hiện nay, khi nhiệt độ đã lên đến mức báo động 41 độ C. 

Những que kem mát lạnh là mặt hàng bán chạy hàng đầu tại Anh vào lúc này. Hình ảnh ấn tượng được ghi nhận tại nhiều siêu thị tại Anh, khi các tủ đựng kem đều trống rỗng. 

Tại Pháp, nắng nóng gay gắt khiến người dân đổ dồn về các khu vực mát mẻ để tránh nóng. Khu vực đài phun nước Trocadero trước tháp Eiffel đã biến thành nơi giải nhiệt bất đắc dĩ cho người dân Paris và du khách, trong cái nóng trên 40 độ C. 

Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định, do tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu, khả năng cao Châu Âu sẽ tiếp tục bị bao phủ trong thời tiết nắng nóng gay gắt cho đến cuối tuần tới.

Ông PETTERI TAALAS, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: "Số ca tử vong có thể sẽ gia tăng ở những người cao tuổi và ốm yếu. Sau đó, chúng ta sẽ thấy những tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Những đợt nắng nóng trước đây tại châu Âu cũng đã gây ra nhiều thiệt hại cho mùa màng.”

Cũng theo Tổ chức Khí tượng thế giới, các đợt nắng nóng như đang xảy ra tại Tây Âu sẽ trở nên thường xuyên hơn và xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất đến những năm 2060. 

Kim Ngọc