Cụm tin Quốc tế tối 09/06: Nghị viện Châu Âu ủng hộ lệnh cấm bán ô tô chạy xăng, dầu từ 2035

Nghị viện Châu Âu ủng hộ lệnh cấm bán ô tô chạy xăng, dầu; Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm mạnh; Người Châu Phi đầu tiên đoạt giải “Nobel Kiến trúc”.... là những thông tin trong cụm tin quốc tế tối 09/06.

NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU ỦNG HỘ LỆNH CẤM BÁN Ô TÔ CHẠY XĂNG, DẦU

Các nghị sĩ Châu Âu vừa bỏ phiếu thông qua bản kế hoạch khí hậu của Liên minh Châu Âu, trong đó trọng tâm là việc cấm bán toàn bộ các xe ô tô chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035. Đây là một phần trong chính sách chống biến đổi khí hậu của EU nhằm hiện thực hóa tham vọng đến giữa thế kỷ 21 đưa châu Âu thành châu lục không có khí phát thải carbon.

Tại phiên toàn thể ở Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất do Ủy ban Châu Âu đưa ra hồi năm ngoái, trong đó yêu cầu cấm toàn bộ các ô tô chạy bằng động cơ đốt trong, tức chạy bằng nhiên liệu hoá thạch như xăng, dầu từ năm 2035.

Ông FRANS TIMMERMANS, Người phụ trách chính sách môi trường của Liên minh Châu Âu: “Những gì chúng ta cần làm là phải biến việc chuyển đổi năng lượng thành hiện thực. Cuộc xung đột tại Ukraine càng gia tăng tầm quan trọng của việc thực hiện sự chuyển đổi này càng nhanh càng tốt. Số tiền chi ra cho năng lượng tái tạo sẽ ở lại châu Âu. Đây là thực tế đặt ra sự cấp bách cần tiến hành các biện pháp khẩn cấp như hiện nay”.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, các nước Liên minh Châu Âu sẽ phải cắt giảm 50% lượng xe ô tô chạy bằng xăng, dầu và đến năm 2035 sẽ cấm toàn bộ. Đến khi đó chỉ có các xe ô tô chạy bằng pin điện mới được phép hoạt động.

Kế hoạch tham vọng này nhằm đưa Liên minh Châu Âu với 27 quốc gia thành viên và cũng là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đi đúng hướng trong lộ trình giảm 55% lượng phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030.

 Ông MOHAMMED CHAHIM - Nghị sỹ đại diện cho Hà Lan tại Nghị viện Châu Âu: “Đây là quyết định mang tính lịch sử, vì trên thực tế, chúng ta đang cố gắng mở rộng thị trường mua bán khí thải, ra với phần còn lại của thế giới, và những tác động tích cực sẽ được nhân đôi. Chúng ta cần khuyến khích các đối tác thương mại thực hiện các hành động về khí hậu một cách nghiêm túc.”

Ngành công nghiệp ô tô đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Châu Âu, chiếm 7% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang tăng lên và các phương tiện giao thông đường bộ chiếm 21% lượng khí thải CO2. 

Do đó, việc cấm toàn bộ các loại ô tô chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035 sẽ buộc các nhà sản xuất ô tô châu Âu thực hiện các cuộc cách mạng trong lĩnh vực xe điện, kéo theo đó là các thay đổi lớn trong mô hình kinh tế các nước.

DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TOÀN CẦU GIẢM MẠNH

Cuộc xung đột tại Ukraine đã phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế thế giới năm 2022 sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 3%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo đưa ra trước đó là 4,5%.

Trong báo cáo mới nhất, OECD đã điều chỉnh hạ thấp mức tăng trưởng trong năm 2022 của hầu hết các nền kinh tế lớn thế giới do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, trong khi lạm phát tăng cao kéo dài.

Bà LAURENCE BOONE - nhà kinh tế trưởng của OECD: “Chúng tôi đã điều chỉnh đáng kể các dự báo được đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Điều này diễn ra ở toàn bộ 50 quốc gia và khu vực mà chúng tôi đang theo dõi. Tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 được điều chỉnh giảm 1,5 điểm phần trăm từ 4,5%, xuống còn 3. Điều tôi muốn nhấn mạnh, tổn thất này là hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga Ukraine.”

OECD dự báo khu vực đồng Euro chỉ tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, các nền kinh tế lớn khác như Mỹ cũng giảm từ 3,7% xuống còn 2,5%, Trung Quốc từ 5,1% xuống 4,4%. Kinh tế Nga được dự báo sẽ rơi vào suy thoái, giảm 10% do tác động của các lệnh trừng phạt. Về lạm phát, OECD dự báo áp lực lạm phát sẽ giảm nhẹ vào năm 2023 khi các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ điều chỉnh sách tiền tệ vào quý III/2022. 

NGƯỜI CHÂU PHI ĐẦU TIÊN ĐOẠT GIẢI “NOBEL KIẾN TRÚC

Pritzker được đánh giá là giải thưởng kiến trúc danh giá nhất hành tinh được trao lần đầu tiên vào năm 1979. Và lần đầu tiên trong lịch sử hơn 4 thập kỷ từ khi thành lập, giải kiến trúc Pritzker đã gọi tên một kiến trúc sư đến từ châu Phi. Và con đường chính phục thành công của vị kiến trúc sư 57 tuổi này khiến nhiều người phải nể phục.

Đây là sự chào đón mà người dân Burkina Faso dành cho kiến trúc sư Diebedo Francis Kere khi ông trở về quê nhà sau khi nhận được giải thưởng Pritzker. Ông là người Châu Phi và da màu đầu tiên giành được thưởng danh giá này.

Kiến trúc sư DIEBEDO FRANCIS KERE: Tôi cũng cảm thấy vô cùng biết ơn và mãn nguyện  khi tất cả những nỗ lực mà chúng tôi, công việc mà chúng tôi đã cùng nhau làm đều được công nhận và mọi người tự hào về điều đó và nhận ra rằng chúng tôi đã làm rất tốt.”

Năm 1995, Diebedo Francis Kere giành được học bổng du học Đức. Khi đã học thành tài, ông biết mình phải trở về quê nhà để xây dựng trường học. Sau nhiều năm, hai ngôi trường do ông thiết kế vẫn còn nguyên giá trị, nhờ tính ứng dụng cao, có thể thích ứng với môi trường nắng nóng tại châu Phi.

Kiến trúc sư DIEBEDO FRANCIS KERE: Tôi xây những bức tường lớn, đồng thời tạo những khe hở để công trình được thông thoáng. Sau đó, tôi thiết kế phần mái lớn như một ngọn cây để bảo vệ công trình trước mưa bão. Nói ngắn ngọn, những bức tường này vừa có thể chống mưa bảo, vừa chống nóng”.

Ở vị kiến trúc sư 57 tuổi này có sự hiện diện của kiến trúc tiên phong, bền vững với trái đất và những người có cuộc sống nghèo khó. Thông qua những tòa nhà thể hiện vẻ đẹp, sự khiêm tốn, táo bạo, sáng tạo cũng như bằng sự toàn vẹn của kiến trúc và phong cách riêng, Diebedo Francis Kere đã truyền tải thông điệp của kiến trúc vào cuộc sống đời thường một cách bình dị nhất.  

Đinh Phượng