Cụm tin quốc tế 15/05: G7 cảnh báo hệ luỵ từ khủng hoảng ở Ukraine

G7 cảnh báo hệ luỵ từ khủng hoảng ở Ukraine; Nhật Bản thông qua dự luật về cấp phép khẩn cấp vaccine; Thêm ca tử vong cho viêm gan lạ tại Indonesia;… là những tin tức đáng chú ý trên thế giới ngày 15/05.

 G7 CẢNH BÁO HỆ LUỴ TỪ KHỦNG HOẢNG Ở UKRAINE

Trong tuyên bố chung, các ngoại trưởng G7 cảnh báo về tác động nghiêm trọng từ cuộc xung đột này đối với an ninh lương thực, nhất là ở Châu Phi và Trung Đông, đều có thể dẫn tới mất an ninh lương thực và gây ra nạn suy dinh dưỡng, đặc biệt với những khu vực dễ bị tổn thương nhất.

Ngoại trưởng Đức ANNALENA BAERBOCK: "Việc Nga xâm nhập lãnh thổ Ukraine ở phía đông và phía nam của đất nước, việc phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine do các tuyến đường vận chuyển và kho hàng bị phá hủy đang gây ra việc gián đoạn nguồn cung lương thực dẫn đến giá cả tăng cao ngất ngưởng trên toàn thế giới, và là mối đe dọa của nạn đói nghiêm trọng.”

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, khẳng định sẽ duy trì sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nước khác. G7 cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine chừng nào cần thiết.

ẤN ĐỘ BẤT NGỜ CẤM XUẤT KHẨU LÚA MỲ

Chính phủ Ấn Độ vừa bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với hiệu lực tức thì. Động thái được này được cho là nỗ lực kiểm soát giá cả, trong bối cảnh mùa màng bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng.

Thông báo từ chính phủ Ấn Độ cho biết giá lúa mỳ tăng đã đe doạ an ninh lương thực của nước này. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, giá lúa mỳ toàn cầu đã tăng gần 40%. Dù là nước sản xuất lúa mỳ lớn thứ 2 thế giới, song Ấn Độ cũng là nước tiêu thụ lớn. Thời tiết năng nóng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng lúa mỳ của nước này, dự báo khoảng 95 triệu tấn, thấp hơn mức 105 triệu tấn ước tính của chính phủ. Điều này có khả năng khiến nguồn cung trong nước thu hẹp và giá bán tăng cao.

NHẬT BẢN THÔNG QUA DỰ LUẬT VỀ CẤP PHÉP KHẨN CẤP VACCINE

Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự luật sửa đổi về dược phẩm và thiết bị y tế, trong đó cho phép cấp phép khẩn cấp vaccine, dược phẩm và các hàng hóa y tế khác trong các tình huống cấp bách như khi một dịch bệnh truyền nhiễm đang lây lan.

Vaccine và dược phẩm sẽ được cấp phép khẩn cấp ngay cả khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng nếu độ an toàn đã được xác nhận và có thể ước đoán được hiệu quả. Đáng chú ý, các loại vaccine đang lưu hành ở nước ngoài và được đánh giá là có hiệu quả có thể được cấp phép lưu hành ở Nhật Bản mà không cần thử nghiệm lâm sàng. Điều này sẽ cho phép hoạt động phân phối vaccine diễn ra nhanh hơn so với hệ thống cấp phép dược phẩm đặc biệt hiện hành. Bên cạnh đó, luật điều chỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine và dược phẩm của các công ty trong nước khi các sản phẩm này có thể được cấp phép ngay khi vẫn đang được thử nghiệm lâm sàng.

THÊM CA TỬ VONG Ở INDONESIA DO BỆNH VIÊM GAN LẠ

Indonesia vừa công bố thêm 4 ca tử vong nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Truyền thông Indonesia dẫn thông báo từ Bộ Y tế nước này. Theo đó, các ca bệnh được phát hiện trên khắp cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở thủ đô Jakarta. Tính đến nay, Indonesia đã phát hiện tổng cộng 18 trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn này. 7 ca đã tử vong. Giới chức y tế nước này cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy bệnh lây trực tiếp từ người sang người. Nhà chức trách khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa con đến bệnh viện nếu có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy cấp, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức.

LẠM PHÁT TĂNG VỌT TẠI CANADA

Cuộc sống ngày càng trở nên đắt đỏ đối với người dân Canada khi giá xăng dầu tăng vọt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến lạm phát trên toàn nền kinh tế.

Giá xăng ở hầu hết các khu vực của Canada đã tăng lên khoảng 2 đôla Canada (khoảng 1,55 đô la Mỹ) mỗi lít trong tuần qua. Các chuyên gia năng lượng cảnh báo xu hướng tăng có thể tiếp tục trong suốt mùa hè. 

Anh CHRIS, thợ sửa chữa ô tô: "Lạm phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, đặc biệt là giá xăng, nay đã tăng gấp ba lần so với giá hai, ba năm trước. Tôi thường đi bán tạp hóa hai tuần một lần, và phải mua đắt gấp hơn 2 lần, cùng 1 loại thức ăn” .

Lạm phát giá lương thực đang ảnh hưởng đến các tầng lớp kinh tế xã hội, không chỉ người lao động bình dân có thu nhập thấp. 

Ông WANG ZI, Chủ cửa hàng sửa chữa ô tô :"Lạm phát ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta. Trước đây, khi đi siêu thị để mua rau và trái cây, chúng ta có thể tiêu tốn khoảng 1.000 đôla Canada/tháng, giờ đây phải tốn tới 2.300 – 2.400 đôla Canada” .

Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn trong khi kìm hãm nhu cầu của người tiêu dùng, là thủ phạm chính khiến lạm phát tăng vọt. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đã làm giảm nguồn cung, đồng thời cũng làm giảm nhu cầu. Sự kết hợp giữa 2 tình trạng trên khiến giá cả tăng vọt.

Quỳnh Hoa