Cụm tin quốc tế 09/9: Triều Tiên quyết tâm không từ bỏ vũ khí hạt nhân

Triều Tiên quyết tâm không từ bỏ vũ khí hạt nhân; Châu Âu vẫn âm thầm mua dầu Nga... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối ngày 09/9.

TRIỀU TIÊN QUYẾT KHÔNG TỪ BỎ VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Hãng Reuters đưa tin, Quốc hội Triều Tiên thông qua luật mới về quyền tấn công hạt nhân phủ đầu để thay thế luật từ năm 2013. Bước đi này diễn ra khi các nhà quan sát cho rằng nước này dường như đang chuẩn bị nối lại hoạt động thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, sau hai cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018. Khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ không thuyết phục được ông Kim từ bỏ phát triển vũ khí.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên KIM JONG UN

Ý nghĩa lớn nhất của luật hóa chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra ranh giới không thể đảo ngược, không thể thương lượng về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Triều Tiên đã tuyên bố là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trong hiến pháp của mình, nhưng luật mới được thông qua còn vượt ra ngoài điều đó khi nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, bao gồm cả để đáp trả một cuộc tấn công hoặc ngăn chặn một cuộc xâm lược. Luật mới cho phép tấn công phủ đầu nếu nhận thấy nguy cơ “các mục tiêu chiến lược”, bao gồm lãnh đạo, của đất nước sắp bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Bước đi này của Triều Tiên có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và đẩy những nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc và Mỹ rơi vào bế tắc.

CHÂU ÂU VẪN ÂM THẦM MUA DẦU NGA

Chỉ còn 3 tháng nữa, ngày 5/12, lệnh cấm vận trên toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga sẽ có hiệu lực. Thế nhưng, hãng Bloomberg đưa tin, thay vì hạn chế dần, Châu Âu vẫn đang “âm thầm” nhập khẩu hơn 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày trong một tháng qua, cho thấy khối đang tăng cường dự trữ dầu khi còn có thể.

Theo ước tính của Bloomberg, Nga đang xuất khẩu 3,32 triệu thùng dầu thô mỗi ngày bằng đường biển, có nghĩa là châu Âu đang mua hơn 1/3 số dầu này mỗi ngày khi còn có thể. Động thái của châu Âu cho thấy khối chưa có điều gì thay đổi kể từ tháng 6, thời điểm lệnh cấm vận được thông qua và châu Âu sẽ phải tìm nhà cung cấp dầu thay thế khi giá dầu có thể tăng cao hơn. Nó cũng cho thấy lục địa già còn phụ thuộc rất nhiều vào dầu của Nga và sẽ phải loay hoay tìm ra hướng đi trước thời hạn ngày 5/12 này.

Hồng Nhung