Cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng

Tham gia thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sáng 1/4, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, giải quyết những bất cập hiện có, đáp ứng tốc độ phát triển KT-XH nhanh với sự vào cuộc của công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của công chứng viên khi thực hiện công chứng điện tử và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trong điều kiện mới. 

Cho ý kiến về việc Chính phủ đề xuất quay trở lại thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Luật Quy hoạch 2017 đã bãi bỏ các quy hoạch ngành, nhưng quy định rõ những trường hợp bỏ quy hoạch thì bộ quản lý Nhà nước phải ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện cụ thể. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị rà soát quy định nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, bởi quy định trong dự thảo luật đang có sự mâu thuẫn, chồng chéo với thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản.

Tổng Thư ký Quốc hội Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã dành một mục riêng về công chứng điện tử. Tuy nhiên, cũng đề nghị cần làm rõ quyền cũng như trách nhiệm của công chứng viên trong việc bảo mật thông tin liên quan đến công chứng điện tử.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị: Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo luật để bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam