COP27 - Kêu gọi chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng năng lượng có những diễn biến phức tạp, hội nghị COP27 mang nhiều ý nghĩa quan trọng, là một tiến trình tiếp nối của Hội nghị COP26, nhằm tiếp tục thực hiện và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trên toàn thế giới để cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) với chương trình nghị sự gồm 4 vấn đề trọng tâm là tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất, thiệt hại và nâng mục tiêu trong hành động khí hậu.

Các chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh bao gồm phát triển hydro xanh, vấn đề nước và an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng và các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Với thông điệp xuyên suốt là "Cùng nhau hành động", COP27 nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể.

Ông ANTONIO GUTERRES, Tổng thư ký Liên hợp quốc: "Hội nghị COP27 phải là nơi để chúng ta xây dựng lại niềm tin và thiết lập lại tham vọng cần thiết, để tránh đưa hành tinh của chúng ta trượt dài qua những cam kết về khí hậu."

Đặc biệt trong bối cảnh các kiểu hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng cường độ và tần suất do hậu quả của biến đổi khí hậu, các kết quả của COP27 sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - nhất là với các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, đồng thời cũng được xem là bước ngoặt hành động vì khí hậu.

Bà GHIWA NAKAT, Giám đốc điều hành Greenpeace: "Các tác động của biến đổi khí hậu là rất nguy hiểm, nhưng chúng ta có thể đảo ngược nếu quốc tế cùng chung tay giảm phát thải một cách nhanh chóng và nghiêm túc, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới độc lập về năng lượng.'

Trong đó, tài chính khí hậu là vấn đề then chốt tại COP27 lần này. Bởi trên thực tế, ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn là vấn đề gây tranh cãi.

Ông SAMEH SHOUKRY, Chủ tịch COP27: "Tôi hoan nghênh việc các bên lần đầu tiên đưa vấn đề bồi thường tổn thất và thiệt hại khí hậu vào đề mục chính. Điều này sẽ tạo ra không gian ổn định về mặt thể chế cho các chương trình nghị sự chính thức của COP và thỏa thuận Paris. Nó cũng phản ánh ý thức đoàn kết và đồng cảm với nỗi đau của các nạn nhân của thảm họa do khí hậu gây ra."

Tích cực tham gia vào Hội nghị COP27, Đoàn đại biểu của Việt Nam đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng…Đặc biệt, một số cam kết mới cũng đã được đưa ra tại COP27. Việt Nam đã đệ trình tới Liên hợp quốc bản Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022. Theo đó, đặt mục tiêu giảm 43,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế, tăng vượt bậc so với báo cáo trước đó (27%).