• 5318 lượt xem
  • 21:57 16/04/2022
  • Kinh tế

Giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào trong nông nghiệp

Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là những yếu tố không thể thiếu trong ngành nông nghiệp hiện nay. Những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp đầu vào, đặc biệt là giá phân bón đang tăng cao, gây nhiều khó khăn cho bà con nông dân. Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ là hướng đi đúng đắn lúc này, mặt khác còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Biên tập viên Tuấn Anh: Giá phân bón tăng cao là câu chuyện được nhắc đến rất nhiều trong thời gian qua. Cục Bảo vệ thực vật nhận định, giá phân bón đang ở mức cao nhất trong khoảng 50 năm trở lại đây do những diễn biến tăng theo giá thế giới. Ghi nhận trên thị trường nội địa vừa qua, so với tháng 2/2022, giá phân bón hiện đã tăng từ 5-8%. Hiện giá phân bón đã tăng lần thứ 3 liên tiếp. Điều này gây nguy cơ giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp. 

Trước thực trạng này, bà con nông dân đã phải xoay sở rất nhiều giải pháp, như giảm lượng phân bón lót, thay thế phân lân, đạm bằng các loại phân bón hữu cơ. Trong đó, giải pháp về mô hình xử lý rác thải tại chỗ thành phân bón cho cây trồng đã được bà con tại nhiều nơi áp dụng thực hiện.

Phân loại rác thành 2 loại, rác vô cơ - rác hữu cơ và ủ rác hữu cơ thành nguồn phân bón cho cây trồng từ lâu nay đã trở thành công việc hàng ngày của gia đình ông Luận. 

Ông Luận - xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: “Gia đình chúng tôi có 2 loại thùng rác, rác vô cơ và rác hữu cơ. Đưa rác hữu cơ vào đây và dùng men vi sinh này. Nếu dùng men này, tác dụng rất tốt, một gói này dùng rất lâu, không tốn kém gì cả. Toàn bộ thập cẩm các loại, nó phân huỷ hết, tự khắc phân huỷ, ruồi muỗi hoàn toàn không có, khu vực mình sinh hoạt ở đây là không có ruồi muỗi”.

Từ 2 năm nay, vườn rau nhà ông Luận phát triển xanh tốt dù chỉ được bón bằng phân hữu cơ ủ từ rác mà không cần tới các loại phân bón hoá học, phân lân, phân đạm.

- Dùng nguồn phân bón hữu cơ ủ từ rác thì có những lợi ích như thế nào đối với cây trồng, thưa bác? 

- Từ ngày có công trình xử lý chất thải tại nguồn, phân hữu cơ được xử lý rồi đem bón cho cây trồng, độ bền rất tốt, rau như thế này nhưng không ảnh hưởng gì, mà sâu bệnh cũng không có. Thực chất mấy năm nay, chúng tôi chỉ dùng cái đó, chứ không dùng phân hoá học…

- Sử dụng nguồn phân hữu cơ này còn mang lại lợi ích kinh tế như thế nào, thưa bác? 

- Về kinh tế, hiện nay giá phân hoá học lên cao như thế, trồng những cây này không bõ gì cả, nhưng khi dùng phân hữu cơ thì không phải dùng phân hoá học. Cho nên, kể cả vấn đề vệ sinh, và vấn đề kinh tế, phải nói rất là hữu ích.

Mô hình xử lý rác thải tại chỗ bằng cách sử dụng men vi sinh như gia đình ông Luận hiện đang được triển khai tại tất cả các hộ trên địa bàn xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Các hộ gia đình đều chủ động làm hố chôn rác có nắp đậy trong vườn như thế này, rất thuận tiện và đảm bảo vệ sinh.

Ông VŨ QUANG HUỆ, xóm 2, xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: “Gia đình nào cũng có hố rác, đồng thời mua gói vi sinh về phân loại rác tại nguồn. Từ đó, mùi hôi thối của rác không còn nữa, giải quyết được về vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây, rồi còn tiết kiệm kinh tế khi có nguồn phân bón cho cây rau. Cảm thấy rất hữu ích cho gia đình và cho cộng đồng.” 

GS PHẠM VĂN TY, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội: Chúng tôi phát minh ra chế phẩm sinh học này từ những năm 90. Có hiệu quả cực kì lớn, vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa là nguồn phân bón rất lớn trong nông nghiệp. Việt Nam hiện cũng đi theo chiều hướng như trên thế giới, đó là nông nghiệp hữu cơ, không dùng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học mà sử dụng hoàn toàn hữu cơ…

Không chỉ Hải Hậu, Nam Định, một số địa phương khác như Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên… cũng đang tích cực áp dụng mô hình này và được người dân đồng thuận tham gia. 

Giảm được chi phí sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời còn giảm được 70% các loại rác thải hữu cơ không phải thải ra môi trường, giúp môi trường sống của các hộ dân luôn sạch sẽ, trong lành. Đây thực sự là mô hình hiệu quả, cần được nhân rộng tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để thành công như mô hình tại xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, những yêu cầu ban đầu cũng cần phải có nguồn kinh phí nhất định, cùng với đó là sự vào cuộc, nhất quán của chính quyền và tập thể nhân dân.

Từ năm 2018, tuyên truyền, phổ biến những lợi ích từ việc phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tới tất cả các hộ dân trên địa bàn là công việc mà Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu, Hội phụ nữ xã Hải Hà đã tích cực triển khai. Những ngày đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, song xã đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua nắp đậy và men vi sinh ban đầu cho các hộ. Vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao để thay đổi được nhận thức và thói quen của từng hộ dân trong việc phân loại và xử lý rác thải. 

Bà TRẦN THỊ NGOAN, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Ban đầu, chúng tôi mời bà con đến nhà văn hoá xóm để tuyên truyền, hướng dẫn rồi trực tiếp xuống từng nhà. Sau vận động, bà con đã sử dụng rồi, trong quá trình sử dụng chúng tôi xuống tận nơi hướng dẫn, lúc đầu triển khai là hàng tuần …

Ông NGUYỄN VĂN VĨNH, Chủ tịch UBND xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định: Ban đầu cũng có những khó khăn do nhận thức của người dân, rồi khó khăn về kinh tế, để giải quyết những vấn đề này, xã cũng bỏ kinh phí hỗ trợ các hộ dân về nắp đậy hố, rồi men vi sinh... 

Cho đến nay, không chỉ riêng xã Hải Hà, phong trào ủ rác thành phân bón hữu cơ đã được thực hiện tại hơn 23.000 hộ dân, thuộc 32/34 xã của huyện Hải Hậu. Để có được kết quả này là nhờ sự quyết liệt của xã, huyện, cùng với đó là sự hỗ trợ của các đơn vị có chuyên môn trong quá trình triển khai.

Ông NGÔ ĐỨC VŨ, Giám đốc Công ty CP Công nghệ - Môi trường 86 tỉnh Nam Định: Ban đầu triển khai, công ty mất khoảng 8 tháng với những mô hình đầu tiên, công ty cấp nắp đậy và chế phẩm vi sinh cho bà con, sau đó lãnh đạo huyện xã, thấy mô hình này rất thiết thực nên đã nhân rộng mô hình này… 

Những con đường làng sạch sẽ, không khí môi trường thoáng mát, trong lành là hiệu quả rõ rệt nhất của mô hình phân loại và ủ rác thành phân bón mang lại. Cùng với đó, phải kể đến là hiệu quả tiết giảm chi phí đầu vào của mỗi hộ dân giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ổn định mặc dù giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn tăng cao.

Nông nghiệp hữu cơ là một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Trong đó, phân bón hữu cơ sẽ dần thế chỗ phân bón hoá học bởi lợi ích kép vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Đây sẽ là giải pháp thiết thực mà ngành nông nghiệp mỗi địa phương đang hướng tới.