COP 26: Hạn chế túi nilon - Đánh thuế cũng như không

Ở nước ta, túi nilon là vật dụng vẫn được sử dụng tràn lan như một thói quen khó bỏ. Nó có tiện lợi không? Câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng đi cùng với sự tiện lợi đó lại là thảm họa ô nhiễm môi trường. Để hạn chế túi nilon, áp thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này là một trong những giải pháp đã được thực hiện. Nhưng chính sách này có vẻ 'bất lực' khi giá bán nhiều loại túi nilông còn thấp hơn mức thuế đánh vào nó.

Ở các khu chợ dân sinh, túi nilong là thứ cần và tiện hơn bao giờ hết. Từ đồ khô đến đồ nước. Từ đồ tươi đến đồ chín. Tất cả đều được bọc và đựng trong túi nilong. Người ta có thể đi chợ với duy nhất một thứ cần mang theo, đó là tiền.

Túi nilon luôn là mặt hàng được nhiều người sử dụng, và sử dụng nó một cách tràn lan vì giá quá rẻ. Không có mặt hàng nào mà người bán sẵn sàng cho người mua vài ba cái để đựng, có khi chỉ là đựng vài cọng hành, vài quả cà chua…

Theo khảo sát nhanh của chúng tôi mức giá bán túi nilon trên thị trường cao nhất cũng chỉ gần 40 nghìn đồng/ 1 kg. Trong khi đó, theo quy định hiện nay, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này đang áp dụng mức kịch khung là 50.000 đồng/kg. Rõ ràng đang tồn tại nghịch lý, giá bán túi nilon còn thấp hơn cả chính mức thuế đánh vào nó.

Theo khảo sát, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon. Nếu nhân mức thuế bảo vệ môi trường với lượng túi nilon nước ta tiêu thụ thì số tiền thuế thu được phải là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng theo các chuyên gia, thực tế với giá bán túi nilon như ngoài thị trường hiện nay đã cho thấy tỷ lệ thất thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất túi nilon là rất lớn, có thể lên đến cả nghìn tỉ đồng.

BIẾN TÚI NILON THÀNH MẶT HÀNG ĐẮT ĐỎ: LIỆU ĐÃ ĐỦ? 

Biến túi nilon thành một mặt hàng đắt đỏ, đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu dùng đang là biện pháp được đề xuất để giảm thiểu việc sử dụng món đồ gây nguy hại cho môi trường và con người này. Tuy nhiên, tăng mạnh thuế để hạn chế túi nilon: liệu đã đủ? 

Để hạn chế túi nilon, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế môi trường cao hoặc đánh thuế trên từng đơn vị túi. Ví dụ: tại Anh: 5 penny/túi, tương đương 1.400 đồng/túi; Ailen: 22 cent/túi, tương đương 6.600 đồng/túi...Trong khi đó, tại Việt Nam thuế bảo vệ môi trường đối với 1kg túi ni lông (khoảng 200 - 300 chiếc túi)  hiện là 50.000 đồng/kg. So với các nước, có thể thấy khung và mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilon của Việt Nam là rất thấp.

Giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến đề xuất một nên xem xét, đánh thuế cao hơn nữa với mặt hàng này để hạn chế việc sản xuất và sử dụng. Mặt khác, có thể nghiên cứu nhiều cách tính thuế khác nhau và quan trọng hơn cần có giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi việc thu thuế. 

Song song với công cụ thuế, theo các chuyên gia cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phân loại túi thải ngay từ nguồn, xử lý rác thải phù hợp, tuyên truyền ý thức của người dân trong việc xả thải…

Ngoài ra, có ý kiến đề xuất, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của một số nước có thể cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng đối với một số loại túi nilon khó phân hủy.

GIẢI PHÁP NÀO HẠN CHẾ TÚI NILON? 

Đánh thuế bảo vệ môi trường với túi nilông là giải pháp mà mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Tuy nhiên, cách tính thuế và thực thi việc thu thuế như thế nào mới là vấn đề quan trọng hơn cần giải quyết.

Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc PV TS. NGUYỄN HOÀNG NAM- Điều phối viên quốc gia Mạng lưới Tăng trưởng thích ứng với khí hậu, Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. M

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam