• 2263 lượt xem
  • 22:08 10/07/2022
  • Văn hóa

Cộng đồng quyết định sự tồn tại của bảo tàng sinh thái

Bảo tàng sinh thái là một loại bảo tàng mới, mô hình này được đưa ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây để bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể. Trong quan điểm về bảo tàng truyền thống, hiện vật gốc, các bộ sưu tập và công chúng được coi là những yếu tố quyết định sự tồn tại và thành công của bảo tàng.

Còn bảo tàng sinh thái lại chuyển trọng tâm vào những minh chứng vật chất và phi vật chất thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường sống của họ. Vì thế, với bảo tàng sinh thái, cộng đồng chủ thể di sản mới là yếu tố quyết định sự ra đời và tồn tại của loại bảo tàng này. 

Đây là những hiện vật trưng bày trong bảo tàng Di sản Văn hoá Mường, dù đa dạng và rất đặc sắc nhưng tất cả được trưng bày trong không gian khép kín.

Còn đây là mô hình nhà Lang để trưng bày các hiện vật trong Bảo tàng không gian Văn hoá Mường.

Cùng là để trưng bày các hiện vật sống động của nền văn hoá Mường cổ nhưng Bảo tàng Không gian văn hoá Mường được xem là mô hình có "bóng dáng" của loại bảo tàng mới, đó là bảo tàng sinh thái.

PGS.TS NGUYỄN DUY THIỆU, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Không gian văn hoá Mường ở Hoà Bình cũng có manh nha bảo tàng sinh thái. Khách tham quan đến đấy được xem cảnh quan của Mường ra sao, trưng bày ở trong nhà Lang thế nào, cuộc sống ở đấy ra sao, những thứ ấy được bày đặt trong hệ sinh thái thế nào? Nhưng đó chỉ là một phần thôi nếu như gọi là bảo tàng sinh thái là phải của cộng đồng thực sự, công chúng đến đấy phải được tham quan hoạt động tự nhiên của cộng đồng.” 

Nếu bảo tàng truyền thống là những công trình kiến trúc khép kín, đầy ắp những hiện vật và bộ sưu tập cùng các tủ, bục trưng bày để lưu giữ và kể các câu chuyện ký ức, thì bảo tàng sinh thái là không gian mở rộng lớn, nơi mà cộng đồng chủ thể văn hoá trực tiếp thể hiện, giới thiệu sinh động đời sống tinh thần và vật chất của họ và tổ tiên họ trong lịch sử thích ứng để tồn tại với điều kiện tự nhiên tại chỗ. Đó là một tổ hợp: Lãnh thổ, di sản, ký ức, cộng đồng.

PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia: “Một là yếu tố tự nhiên và đặc điểm môi trường. 2 là sự tương tác hàng ngày giữa con người với thiên nhiên và cuối cùng là kết quả của sự tương tác ấy là tạo ra được những giá trị văn hoá nổi trội. Như vậy thì người ta quan niệm một bảo tàng sinh thái chính là một không gian văn hoá sinh thái nhân văn trong và ngay tại cộng đồng. Cuối cùng sự khác biệt của nó là bảo tàng sinh thái ấy không phải là sở hữu của một cá nhân, không phải sở hữu của nhà nước mà là của cộng đồng cư dân.” 

TS TRẦN HỮU SƠN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn hoá và Du lịch: “Mỗi vùng có một hệ sinh thái riêng và hệ sinh thái đó là nòng cốt để xây dựng bảo tàng. Ví dụ như vùng người Mông ở Hà Giang là ở núi đá, hệ sinh thái núi đá từ hàng rào đá, nhà đá, nương rẫy, thổ canh núi đá…”.

Vì vậy, ngoài việc có một nhà trưng bày như Bảo tàng không gian văn hoá Mường thì bảo tàng sinh thái còn phải bao gồm cộng đồng với đời sống thật trong đó và những di sản về ký ức văn hoá nữa. Và quan trọng nữa là cộng đồng là chủ thể. Loại hình bảo tàng mới này phù hợp với nhận thức chung của nhân loại về bảo tồn văn hoá hiện nay là phải bảo tồn trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng. Đồng thời, cộng đồng thu được lợi nhuận thông qua chính hoạt động bảo tồn đó. Việc triển khai xây dựng mô hình bảo tàng sinh thái trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mô hình có sự hỗ trợ của nhà nước về kinh phí để tập huấn hướng dẫn và sau đó trao cho cộng đồng quản lý.

Phan Xanh