Còn nhiều thách thức trong phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam

Được xem là xu hướng tất yếu và có nhiều lợi ích thiết thực là vậy, nhưng thực tế qua thống kê cho thấy nông sản hữu cơ của nước ta hiện vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản. Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay chúng ta vẫn chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ, mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…

Việc thiếu cơ chế hỗ trợ được xem là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp nông nghiệp hữu cơ. Đơn cử như hợp tác xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, mặc dù đã thành lập được 5 năm, phải thực hiện rất nhiều hoạt động mà khó khăn nhất là chứng minh được điều kiện sản xuất từ môi trường đất, môi trường nước đáp ứng được tiêu chuẩn nhưng đến nay, hợp tác xã này chưa được tiếp cận với bất cứ khoản vay ưu đãi nào.

Mặt khác, tại Việt Nam, hiện cũng chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, phần lớn việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện. Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tài liệu tập huấn đào tạo, nguồn nhân lực chuyên môn cao về sản xuất hữu cơ còn hạn chế, chưa phổ biến…

Ngoài ra, hiện nay nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ dù đã được cải thiện hơn nhưng vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc, chưa tin tưởng và khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Đây là một trong những khó khăn rất lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!