Cơ quan nào làm ra luật thì cơ quan đó giải thích luật

Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến băn khoăn đối với việc Dự thảo bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Toà án về việc “Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử”.

Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh là thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử là hoạt động áp dụng pháp luật có tính chất nghiệp vụ để giải quyết vụ việc cụ thể của các cơ quan nhà nước, kể cả Tòa án, đề nghị không quy định nội dung này trong Dự thảo.

Tuy nhiên, cũng có đại biểu đồng tình với Dự thảo luật khi cho rằng Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc thì có trách nhiệm giải thích áp dụng pháp luật. Bị cáo, đương sự có quyền được biết tại sao họ bị xét xử hình sự, bị áp dụng hình phạt; phải chấp hành nghĩa vụ dân sự… Việc Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử không trái Hiến pháp; không trùng lẫn, xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Toà án là Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao, đó là Tòa án giải thích việc áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, làm rõ trong bản án, quyết định về nội dung của quy định pháp luật được áp dụng trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam