Có đoàn Đại biểu Quốc hội địa phương chỉ làm việc chuyển đơn

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng 22/11, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, thực trạng cho thấy việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn.

Đại biểu nêu rõ, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ nhiều khía cạnh. Theo đó, khi công dân nộp đơn thường cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu có liên quan như hồ sơ về đất đai. Đối với đơn có nội dung khác thường cung cấp không đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc.

Do đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không nắm bắt được hết nội dung, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo lần đầu hay đã giải quyết nhiều lần. Vì vậy, không tránh khỏi có trường hợp chuyển đơn đến cơ quan không còn thẩm quyền giải quyết.

Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể về văn bản trả lời của các cơ quan, đơn vị, ngoại trừ các vụ việc liên quan đến giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đền bù phức tạp kéo dài.

Theo đại biểu, thông thường, Đoàn ĐBQH nhận được văn bản trả lời rất vắn tắt, mang tính chất thông báo, không có giải trình rõ ràng quy trình giải quyết nên cũng không có cơ sở đánh giá, nắm bắt toàn diện vụ việc.

Để nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại biểu cho rằng tại các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.

Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn ĐBQH.

Đồng thời đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số