Cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột là động lực thu hút, "giữ chân" nhân tài

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với tỷ lệ tán thành cao. Đây là mong mỏi chung của chính quyền và nhân dân địa phương, kỳ vọng về cơ hội mới cho thành phố phát triển hơn, tác động lan toả cho toàn vùng Tây Nguyên.

Hơn 45 năm sống và làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột, ông Trình đã chứng kiến sự đổi thay của vùng đất hoang sơ, khó khăn nay đã trở thành đô thị hiện đại. Đời sống người dân được nâng lên. Tuy có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử,… Buôn Ma Thuột vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng, chưa thu hút đầu tư. Ông Trình và nhiều người dân đều đặt kỳ vọng vào “cú hích” từ cơ chế đặc thù.

Trong 5 cơ chế đặc thù, có chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Đây là vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm. Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 16 tổ chức khoa học, 8 trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực. Cử tri mong muốn cơ chế sẽ đủ mạnh để thu hút, giữ chân người tài.

5 cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 về các lĩnh vực như: tăng định mức phân bổ chi thường xuyên; mức dư nợ vay; quản lý quy hoạch; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; thu hút nhân tài... Thời gian thí điểm trong vòng 5 năm. Cơ chế đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột được thông qua sẽ khơi thông điểm nghẽn, thu hút đầu tư, tạo bước đột phát trong tăng trưởng; tạo sự lan tỏa toàn vùng Tây Nguyên.

Việt Bảo