Chủ tịch Quốc hội dự lễ khánh thành nền tảng xét xử trực tuyến

Sáng 08/01/ tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khánh thành Trung tâm tư liệu - thư viện, Trung tâm giám sát, điều hành, phầm mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, nền tảng xét xử trực tuyến của Toà án nhân dân.

Sáng nay, 8/01 tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ khánh thành Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến tòa án nhân dân. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hôi, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới và để khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với Tòa án, đặc biệt là thực hiện cam kết quốc tế về việc hoàn thành xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025 trong Hội đồng Chánh án các nước ASEAN, thời gian qua Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác điều hành các tòa án; tăng cường công khai minh bạch các hoạt động của tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi có công việc tại Tòa án, qua đó giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, xã hội. Triển khai kế hoạch xây dựng "Tòa án điện tử", TANDTC đã quyết định đầu tư giai đoạn một xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND; Trung tâm tư liệu – Thư viện; Phần mềm Trợ lý ảo hỗ trợ cho Thẩm phán và Nền tảng xét xử trực tuyến” cho các TAND. Sau một thời gian triển khai thực hiện, các công trình này đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào sử dụng phục vụ công tác xét xử. 

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và chúc mừng Tòa án nhân dân tối cao có thêm những  công trình, nền tảng công nghệ số  phục vụ đặc lực cho việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đồng thời đánh dấu bước ngoặt lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hỗ trợ hoạt động các tòa án. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong thời gian tới, Tòa án  các cấp cần thực hiện tốt cac Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử. Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp với nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, tích cực tham mưu cho Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, về Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tòa án cần tích cực tham gia xây dựng thể chế, pháp luật để giải quyết kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện Chiến lược chuyển đổi số và Tòa án nhân dân điện tử ở nước ta. Nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công khai minh bạch và đảm bảo  sự giám sát của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tòa án cần tiếp tục đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp tại Tòa nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp; chú trọng xây dựng đề án vị trí việc làm, tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, công chức ngành tòa án.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng đã thực hiện nghi thức chính thức khởi động hệ thống Trung tâm Tư liệu - Thư viện, Trung tâm Giám sát và Điều hành, Phần mềm trợ lý ảo cho thẩm phán, Nền tảng xét xử trực tuyến tòa án nhân dân. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu tham dự buổi Lễ đã cùng tham quan và trực tiếp chứng kiến mô hình hoạt động của Trung tâm tư liệu thư viện, Trung tâm giám sát và điều hành, phần mềm trợ lý ảo. Đây được coi là một trong những giải pháp trọng tâm  nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như xây dựng Tòa án điện tử, nhằm tạo ra bộ não số của Tòa án với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có, tạo ra bức tranh tổng thể trên mọi lĩnh vực hoạt động của tòa án.