Châu Âu cáo buộc Mỹ hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine

Chín tháng sau Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, phương Tây đang chia rẽ khi các quan chức hàng đầu châu Âu cho rằng Mỹ đang "hưởng lợi" từ cuộc xung đột ở Ukraine. EU cũng cho rằng các chính sách năng lượng xanh của Mỹ trong Đạo luật Giảm lạm phát đã làm xấu đi quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác châu Âu.

Theo Politico, các quan chức châu Âu giấu tên đã đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có còn là đồng minh hay không khi giá năng lượng tăng cao và các chính sách năng lượng xanh của Mỹ đặt châu Âu vào tình thế khủng hoảng toàn diện. Theo các quan chức này, nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc, quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này là Mỹ bởi họ đang bán được nhiều khí đốt hơn và với giá cao hơn cũng như bán được nhiều vũ khí hơn.

Quan chức EU đồng thời nói rằng các chính sách của Mỹ đã làm gián đoạn trao đổi thương mại và giá khí đốt cao đang khiến dư luận phản đối hỗ trợ cho Ukraine.

Khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, các nước EU đang chuyển sang sử dụng khí đốt từ Mỹ - nhưng cái giá mà người châu Âu phải trả cao gần gấp bốn lần so với chi phí nhiên liệu tương tự ở Mỹ.

Các nước châu Âu cũng cho rằng Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ là biểu hiện của "chủ nghĩa bảo hộ" và "phân biệt đối xử" khi nó gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng đối với các nhà sản xuất nước ngoài.

Ông BRUNO LE MAIRE, Bộ trưởng Tài chính Pháp: "Tôi muốn nhắc lại rằng chúng tôi quan ngại sâu sắc về các quyết định của Mỹ liên quan đến Đạo luật giảm lạm phát, trong đó bao gồm các khoản trợ cấp lớn, có thể dẫn đến bóp méo cạnh tranh. Những bóp méo cạnh tranh này - tôi xin nhắc lại - là một chủ đề quan trọng, và là mối quan ngại đối với Pháp và chúng tôi hy vọng Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các đề xuất để có phản ứng mạnh mẽ đối với chính sách này của Mỹ."

Ông JOZEF SIKELA, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc: "Tôi sẽ khá thẳng thắn. Tôi nghĩ về cách Đạo luật giảm lạm phát được trình bày, tôi nghĩ đối với Liên minh châu Âu, điều đó là không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng dưới hình thức nó được trình bày là cực kỳ bảo hộ đối với hàng xuất khẩu từ châu Âu và chúng tôi phải làm rõ điều đó."

Những tranh cãi ngày càng tăng về Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Biden đã một lần nữa đặt ra lo ngại về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Và nếu các quan chức ở cả hai bờ Đại Tây Dương không sớm nhận ra và giải quyết những tranh cãi này, bầu không khí trong liên minh phương Tây sẽ ngày xấu đi.