Chậm gửi hồ sơ dự án luật vẫn là “bài toán khó giải”

Thẩm tra Chương trình xây dựng Luật pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, các thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các đơn vị trình Luật cần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương xây dựng pháp luật, đặc biệt cần khắc phục tình trạng chậm gửi tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Theo tờ trình của các cơ quan, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 21 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết. Tại kỳ họp thứ 8, nếu bao gồm cả dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ có 23 dự án luật dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến. Đồng thời, đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình năm 2025.

Luật địa chất khoáng sản là một trong 7 dự án Luật được đề xuất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây, tuy nhiên theo đại diện thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ Môi trường của Quốc hội thì tới nay Ủy ban vẫn chưa nhận được các tài liệu để thẩm tra dự án luật này.

Nhấn mạnh việc chậm gửi tài liệu mặc dù đã được nhắc nhiều lần, nhưng vẫn là bài toán khó giải, các thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng điều này gây khó cho đại biểu khi nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự án luật.

Khi kỳ họp thứ 7 chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ diễn ra, nhưng có tận 4 nội dung được đề xuất cho vào chương trình, do vậy đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật.

Nhấn mạnh khối lượng công tác lập pháp là rất lớn, trong bối cảnh năm cuối nhiệm kỳ, các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác lập pháp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian kì họp hoặc có thể họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến kĩ lưỡng hơn vào các dự án luật.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thùy Linh -

Anh Đức -

Thảo Linh