Câu chuyện về các cơ sở văn hoá, thể thao ở Hà Nội: Khi cơ chế làm khó thiết chế

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng tài sản công, khiến các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở khó đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay. Ghi nhận từ chuyên đề giám sát tại Hà Nội của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

“Bảo tàng nghìn tỷ” là cái tên mà nhiều người vẫn hay dùng để ví von cho Bảo tàng Hà Nội. Dù nhận mức đầu tư lớn, tuy nhiên hơn 10 năm qua Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa được phê duyệt đề án trưng bày cố định, dẫn tới việc không gian trưng bày nơi đây chưa được định hình dù kho hiện vật của Bảo tàng Hà Nội không thiếu những hiện vật đặc sắc. Hiện vật trưng bày khiêm tốn, các hoạt động phụ trợ hiện cũng chưa thể triển khai, khiến Bảo tàng Hà Nội bị không ít nhận định là phát huy chưa xứng tầm với mức đầu tư của thành phố.

Trung tâm văn hoá Thành phố Hà Nội - một thiết chế văn hoá quan trọng của thủ đô nhưng lại nằm rất khiêm tốn trên con phố Phùng Hưng, quận Hà Đông. Cơ sở vật chất xuống cấp đã đành, không gian nơi đây cũng chưa xứng tầm với một thiết chế văn hoá quan trọng của thủ đô. Nếu bỏ dòng chữ phía trên công trình thì có lẽ chẳng ai biết đây là một trung tâm văn hoá.

Trên thực tế, để phát huy được các thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là ở các thành phố lớn, cần phải có sự đầu tư về cả cơ sở vật chất lẫn sự hưởng thụ của cộng đồng. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 151/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời, việc liên doanh liên kết của các thiết chế văn hoá đều bị ngừng trệ do có quá nhiều điều kiện không khả thi hay khó thực hiện như định giá đất, xác định thương hiệu, định giá tài sản khi các bảo tàng, hay các trung tâm văn hoá muốn tìm đối tác kết hợp. Hệ quả, tài nguyên công bị bỏ không, lãng phí, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật vừa không có doanh thu tăng thêm, vừa thiếu hoạt động thu hút du khách.

Thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở là những thiết chế mang tính đặc thù, chính vì vậy việc điều chỉnh các văn bản luật cũng cần phải tính đến sự đặc thù của các thiết chế cơ sở này. Thông qua chương trình giám sát của Quốc hội, những ý kiến thực tế từ cơ sở đã được các đại biểu ghi nhận và đây cũng sẽ là cơ sở để Quốc hội tiếp tục điều chỉnh các văn bản luật, giám sát quá trình thực thi pháp luật để đảm bảo luật đi vào đời sống một cách thực chất. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Anh Thư -

Sỹ Cường