Câu chuyện hôm nay: Cảng biển - Động lực phát triển kinh tế biển miền Trung

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển nhằm phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km với nhiều bán đảo, vũng vịnh kín sóng gió, độ sâu tự nhiên lớn, lại án ngữ trên con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất trên thế giới… Từ những ưu thế về biển, cảng biển đã ra đời một cách tất yếu và gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân. Cũng từ lợi thế về biển, kinh tế khai thác cảng biển, vận tải biển đã hình thành, ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế biển và tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước

 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan quy hoạch, xây dựng, phát triển cảng biển nhằm phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời về phát triển cảng biển mà hiện nay hệ thống cảng biển nước ta được quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện cả về quy mô, số lượng, chiều dài cầu cảng, công suất, trọng tải và độ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu, vận tải hàng hóa đường biển cả trong nước và quốc tế.

 

Năm 2022, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm ngoái.
Riêng đối với miền Trung bao gồm 19 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Đây được coi là vùng tiềm năng có nhiều vị trí thuận lợi trong việc xây dựng cảng biển nhờ có nhiều vịnh nước sâu và nhiều trục giao thông huyết mạch nối với các nước trong tiểu vùng sông Me Kong.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là "mặt tiền" của quốc gia, "khúc ruột" của Tổ quốc là "cửa ngõ" ra biển cả, "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, hàng không quốc tế, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn; có vị trí địa lý chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây; có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, với các nước bạn Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia, Đông Bắc Thái Lan và Mi-an-ma, nên có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

 

Để hệ thống cảng biển đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước, các địa phương cần tập trung vào một số vấn đề như: quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam có tầm nhìn chiến lược dài hạn, đồng bộ, đảm bảo tính kết nối giữa cảng biển với các mạng lưới giao thông khác; ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, đầy đủ hạ tầng phụ trợ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn hệ thống; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm một số cảng biển trở thành đầu mối vận tải quan trọng; cải tiến mô hình quản lý cảng biển, mở rộng sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước nhằm mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn.

 

 

Mời quý vị theo dõi chương trình!

Minh Huy