• 1139 lượt xem
  • 16:51 13/02/2022
  • Kinh tế

Điểm báo ngày 13/02: Cần chính sách đặc thù hỗ trợ ngành giáo dục

Cần chính sách đặc thù hỗ trợ ngành giáo dục; điều chỉnh giá xăng dầu sớm và linh hoạt hơn, sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, "găm hàng chờ giá lên"; mở cửa hoạt động kinh tế xã hội sau Tết Nguyên đán... là những tin tức đáng chú ý được các báo đăng tải ngày 13/02.

Đây là bài viết nổi bật được đăng trên báo Đại đoàn kết số ra sáng ngày 13/02. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ người lao động và cơ sở giáo dục, với trị giá hơn 800 tỷ đồng. Trao đổi với báo Đại đoàn kết, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Phạm Minh Hạc cho rằng, “Thời gian nghỉ quá dài nên dù đã có những hỗ trợ theo quy định chung nhưng rõ ràng để không ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng khối giáo dục tư thục, giảm gánh nặng cho giáo dục công lập thì cần triển khai thêm các giải pháp khác để “vực dậy” khối này.

#Xăng dầu luôn là câu chuyện tâm điểm, được dư luận quan tâm trong những ngày gần đây. Các chuyên gia cho rằng, nếu giá xăng được điều chỉnh sớm và linh hoạt hơn, sẽ không xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải đóng cửa, "găm hàng chờ giá lên" vì lỗ. Đây cũng là nội dung chính của bài báo được đăng tải trên báo Điện tử Vnexpress mới đây. Vnexpress bình luận, nếu kỳ điều hành đầu tháng 2 vẫn diễn ra bình thường, hoặc nhà chức trách linh hoạt khi thị trường bất thường, điều chỉnh giá sớm hơn, biên độ tăng giá đã không quá lớn. Thậm chí sẽ không xảy ra tình trạng "găm hàng, chờ giá lên". Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, ngày 11/2, giá xăng bán lẻ trong nước đã vượt 25.000 đồng, lên mức cao nhất 8 năm. Đợt điều chỉnh giá lần này chậm 10 ngày so với thông thường. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, "Để qua kỳ nghỉ Tết dài mới điều hành, tác động tới giá và cung, cầu thị trường. Doanh nghiệp lỗ nên đầu mối, thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý bán ra nhỏ giọt, chờ hàng lên cao mới bán để bớt lỗ. Điều hành nhịp nhàng, chủ động hơn thì sẽ hạn chế được tình trạng găm hàng".  Đây cũng là nội dung được nhiều tờ báo lớn như báo Đại đoàn kết, báo Tuổi trẻ…đăng tải mới đây.

#Sau kỳ nghỉ Tết, các ca nhiễm COVID-19 trong cả nước đều đang tăng lên. Tuy nhiên tại nhiều địa phương, việc bình thường mới vẫn tiếp tục, sắp tới vẫn có thể mạnh dạn mở cửa nhiều hoạt động kinh tế, xã hội theo chủ trương linh hoạt.
Bình luận về chủ đề này, báo Tuổi trẻ có bài viết, “Mạnh dạn bình thường mới sau Tết”. Cụ thể, tác giả đề cập, cho dù các ca bị lây nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng lên thì tình hình dịch bệnh vẫn đã khác hoàn toàn so với trước đây. Trong giai đoạn này, vai trò phòng chống dịch cũng cần được dịch chuyển từ chính quyền sang cho người dân. Thay vì chính quyền đứng ra lo mọi thứ, người dân phải tự nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, giữ gìn sức khỏe, thay đổi thói quen để thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Cuối cùng, với việc dần coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu xóa bỏ các hạn chế, thậm chí tuyên bố hết dịch để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Và với Việt Nam, giờ không còn là quá sớm để chuyển hướng hành động theo trào lưu chung của thế giới.
 Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại thành phố Hồ Chí Minh. Qua con số này chúng ta cũng phần nào thấy được, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện.

#Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng,  Sau một năm 2021 đầy vất vả, kinh tế Việt Nam “xông đất” năm 2022 bằng những bước đi vững chắc. Thời báo Tài chính Việt Nam cũng dẫn báo cáo "Vietnam at a glance" của  Ngân hàng HSBC với nhận định chính, là Việt Nam có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi và các điều kiện bên ngoài khởi sắc. Những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do Covid không còn được áp dụng như trước, nhờ vậy tình hình trở nên “dễ thở” hơn.  Cụ thể, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chỉ số PMI tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua cho thấy dấu hiệu sản lượng công nghiệp mạnh mẽ trở lại. Đồng thời trong tháng 1/2022, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.  Những số liệu trên cho thấy động lực tăng trưởng của việt Nam đang dần phục hồi mạnh mẽ.
 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam