Bộ Tài chính tìm cách giữ FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Hơn 1 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Khi thuế tối thiểu toàn cầu chính thức được thực thi thì các biện pháp ưu đãi thuế trước đây của Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng.

Từ đó, việc duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của nền kinh tế sẽ đứng trước nhiều thách thức. Sáng 18/4, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học bàn về các tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam và các giải pháp ứng phó. 

Năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc là các đối tác đầu tư chủ chốt của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều DN FDI lớn tại Việt Nam chia sẻ các tác động trực tiếp mà họ sẽ phải gánh chịu khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào năm sau, từ đó sẽ ảnh hưởng đến cả chuỗi sản xuất trong nước.

Để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam là một nền kinh tế mở với khối doanh nghiệp FDI đóng góp 1/5 GDP mỗi năm. Các chuyên gia nhận định Chính phủ cần sớm có các điều chỉnh chính sách linh hoạt để thích ứng với các quy tắc của thuế tối thiểu toàn cầu, vừa hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam, đồng thời, duy trì được sức hút với dòng vốn ngoại, trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga